Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích hợp ở lớp dưới, phân hóa ở lớp trên

Thống Nhất| 28/10/2013 06:13

(HNM) - Sau hơn một ngày bàn thảo, hôm qua (27-10), hội thảo về hệ thống môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) Việt Nam sau năm 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức đã kết thúc.

Cấu trúc chương trình GDPT được thiết kế ra sao, số lượng môn học phân bổ ở các khối lớp như thế nào, đâu là nội dung giáo dục cần ưu tiên trong giai đoạn này… vẫn là những vấn đề còn nhiều tranh luận. Song với việc xác định rõ mục tiêu của chương trình mới là chú trọng phát triển năng lực HS, các ý kiến đều thống nhất mô hình thiết kế chương trình theo hướng tích hợp ở lớp dưới và phân hóa dần ở lớp trên.

Việc giảm tải cho học sinh các cấp là sự quan tâm của toàn xã hội. Ảnh: Huyền Linh


Hai giai đoạn ở giáo dục phổ thông

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Một trong những định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GDPT sau năm 2015 là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS thay vì chú trọng cung cấp kiến thức như hiện nay. Chương trình GDPT dự kiến chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (gồm tiểu học và THCS) các môn học được thiết kế theo hướng tích hợp; giai đoạn 2 (cấp THPT) là tổ chức dạy học theo hướng phân hóa. Số môn học bắt buộc ở các khối lớp đều giảm, các chủ đề, hoạt động giáo dục để HS tự chọn được tăng cường theo mục tiêu giáo dục.

Với việc tích hợp nội dung của nhiều môn học trong một môn, chương trình tiểu học và THCS dự kiến sẽ không còn các môn học độc lập như khoa học, địa lý, lịch sử, thủ công… Cụ thể, lớp 1 và 2 có 3 môn bắt buộc gồm tiếng Việt, toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội; lớp 3 có thêm 2 môn bắt buộc là đạo đức, tìm hiểu tự nhiên và xã hội; lớp 4 và 5 có 6 môn bắt buộc. Cấp THCS sẽ chỉ còn 7 môn bắt buộc, giảm gần một nửa số môn so với hiện nay gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục công dân, công nghệ.

Ở lớp 10, các môn học được tích hợp ở THCS sẽ tách thành 11 môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, giáo dục công dân, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ. Lớp 11 và 12 là giai đoạn phân hóa sâu nhằm định hướng nghề nghiệp, nội dung chương trình và sách giáo khoa các môn học sẽ giảm nhẹ, đồng thời phân thành những môn bắt buộc và tự chọn. HS hai khối lớp này sẽ học 3 môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ. Ngoài ra, HS phải tự chọn bắt buộc 3 trong số các môn quy định của chương trình. Giai đoạn này còn có các chủ đề tự chọn chuyên sâu theo từng môn hoặc theo lĩnh vực, ngành nghề mà HS sẽ học sau THPT.

Việc điều chỉnh chương trình theo hướng tích hợp nhiều môn trong một môn ở tiểu học, THCS - theo ban soạn thảo là nhằm hạn chế sự trùng lặp nội dung kiến thức như hiện nay, giảm tải cho HS; đến cấp THPT, việc phân hóa sâu giúp tập trung phát triển năng lực cá nhân và hình thành năng lực nghề nghiệp cho HS.

Băn khoăn với dạy học phân hóa

Theo thiết kế chương trình mới thì lớp 10 được coi là giai đoạn "dự hướng" nhằm chuyển hóa từ giai đoạn cung cấp kiến thức tổng hợp sang hình thức chuyên sâu. Tuy nhiên, với 11 môn học bắt buộc, trong khi lớp 11 và 12 chỉ có 3 môn bắt buộc, nhiều ý kiến cho rằng chương trình lớp 10 là quá nặng với HS. Các ý kiến đề nghị xem xét lại việc coi lớp 10 là giai đoạn bản lề giữa THCS và THPT. Lý do, vì trong cùng một bậc học mà chia thành 2 giai đoạn dạy học (tích hợp và phân hóa) là không hợp lý. Phương án được đề xuất là ở chương trình lớp 9 cần có thêm nội dung hệ thống hóa kiến thức các môn học, thay vì ở lớp 10 như dự thảo. Nội dung các môn học bắt buộc hay tự chọn cũng cần phải có mức độ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu phân hóa và năng lực, nguyện vọng của HS.

Cùng nằm trong giai đoạn phân hóa ở THPT, việc tự chọn bắt buộc 3 trong số 9 môn (gồm vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, giáo dục công dân, công nghệ, xã hội học) cũng khiến nhiều chuyên gia băn khoăn. Thực tế hiện nay, sĩ số HS/lớp phổ biến ở mức 40-50 HS/lớp, nếu để HS tự chọn theo ý thích thì tổ hợp phân hóa ở mỗi trường sẽ rất lớn. Các nhà trường khó có thể đáp ứng kịp về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên. Việc chủ động chuẩn bị các điều kiện, nhất là về giáo viên sẽ rất khó khăn. Ví dụ như năm nay 2013 HS chọn nghiêng về các môn khoa học tự nhiên, đương nhiên nhu cầu về giáo viên các môn này lớn hơn; nhưng năm sau HS có thể lại chuộng môn khoa học xã hội. Vậy các nhà trường lấy đâu ra giáo viên để kịp đáp ứng và các giáo viên khoa học tự nhiên dư thừa từ năm trước của trường sẽ giải quyết thế nào?

Ý kiến của đại diện các trường sư phạm cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong những năm tới ra sao để đáp ứng với yêu cầu của thiết kế chương trình mới là tích hợp và phân hóa chuyên sâu theo lĩnh vực/môn học. Cách thức tổ chức dạy học theo phương án phân hóa ra sao cần phải được nghiên cứu kỹ và chủ động về các điều kiện như đã nói ở trên và cả định hướng đổi mới thi, tuyển sinh, tránh để thất bại như việc thực hiện chương trình phân ban ở các năm trước.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT): Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, lựa chọn phương án nhiều ưu điểm nhất để thiết kế chương trình phù hợp, đáp ứng được mục tiêu giáo dục. Trong xây dựng chương trình không nên phân biệt môn nào quan trọng, môn nào không, mà cần nhận thức rằng những lĩnh vực đưa vào giáo dục trong nhà trường đều quan trọng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới thì phải xác định những lĩnh vực ưu tiên. Trong mỗi lĩnh vực ưu tiên cũng cần lựa chọn những gì cần thiết nhất cho việc tập trung phát triển năng lực HS để đưa vào chương trình đồng thời xác định giải pháp trọng tâm là phải gắn với đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích hợp ở lớp dưới, phân hóa ở lớp trên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.