Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lực khối ngành khoa học xã hội và nhân văn: Đối diện nhiều thách thức

Khánh Vũ| 26/11/2013 06:35

(HNM) - Nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.


Học rộng, định hướng mơ hồ

Hiệu trưởng của một trường ĐH cho biết, nhiều năm qua đã phải thường xuyên đối diện với nhiều nghịch lý trong quá trình phát triển. Chất lượng thí sinh đầu vào chưa thật cao nhưng yêu cầu tốt nghiệp phải cao. SV tốt nghiệp kỳ vọng vào trình độ và khối lượng kiến thức được trang bị ở một trường ĐH danh tiếng nhưng thu nhập sau khi ra trường lại thấp, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với ngành khác. Trong những năm gần đây, cộng đồng có xu thế hướng mạnh tới những ngành học mới, dễ tìm kiếm việc làm, có thu nhập cao…

Sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thực hành kỹ năng quay phim và phỏng vấn.


Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong một năm có khoảng 350 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng với hơn 2.500 đầu việc cho nhóm ngành KHXHNV. Có chuyên gia cho rằng như vậy nhu cầu tuyển dụng là khá cao. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành KHXH không chỉ từ các nhóm ngành dịch vụ mà còn ở nhóm ngành kỹ thuật và kinh tế. Tuy nhiên, theo bà Trần Thùy Trâm, Giám đốc Dịch vụ tìm kiếm và tuyển dụng (Công ty cổ phần Le&A), nhu cầu tuyển dụng thật sự với ngành này hiện rất nhỏ giọt. Nguyên nhân là các doanh nghiệp theo hướng tối ưu hóa các vị trí cần nhân sự có chuyên môn rõ ràng. Trong khi ngành KHXH lại đào tạo kiến thức chung chung, khó áp dụng trong thực tế quản trị tại doanh nghiệp.

TS Phạm Tất Thắng, UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong khi các ngành thuộc khối kỹ thuật, kinh tế hay một số ngành KHXH như báo chí truyền thông thiên về đào tạo nghề cụ thể, ngay từ khi bắt đầu học người học đã biết ra trường sẽ làm công việc nào thì đa số các ngành như nhân học, xã hội học, văn hóa học… thiên về cung cấp kiến thức khoa học nền tảng với phạm vi rộng, vì vậy, học một ngành nhưng có thể làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, chính sự "dao động" khá rộng về kiến thức của SV khối ngành KHXHNV cũng là một bất lợi trong định hướng việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo TS Phạm Mạnh Hà, ĐH QG Hà Nội, kết quả một cuộc khảo sát các SV đang theo học năm thứ 4, thứ 5 khối KHXHNV tại một số trường ở Hà Nội, cho thấy: Chưa đầy 30% SV rõ về công việc mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp, 70% còn lại chưa hề có ý niệm công việc tương lai. Nhiều SV còn không biết học để làm gì và sau này những kiến thức được học áp dụng vào lĩnh vực nào.

Chưa được coi trọng đúng mức

Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình định hướng việc làm của SV chính là nội dung và chương trình đào tạo. Khảo sát của TS Phạm Mạnh Hà cho thấy, tại một số cơ sở đào tạo khối KHXH NV, chương trình dàn trải với nhiều môn học mang tính lý thuyết. Cụ thể, trong 20 chuyên ngành đào tạo, số tín chỉ trung bình là 134/chuyên ngành; với 60 môn học khác nhau, số tín chỉ trung bình cho một môn là 2,02. Số môn học thuộc khối kiến thức chung (không liên quan tới chuyên ngành đào tạo) chiếm tới 22,5%, số tín chỉ cho các môn học thực hành và thực tập chỉ chiếm 5,25%, khối kiến thức chuyên ngành chỉ chiếm 18,65%. Các môn học đều có bố trí giờ thực hành, tuy nhiên có tới 82,5% giảng viên sử dụng giờ thực hành để dạy lý thuyết hoặc thảo luận trên lớp. Điều này cho thấy, việc đào tạo SV KHXH NV thiên về lý thuyết mà không chú trọng đến kỹ năng thực hành, dẫn đến SV gặp nhiều khó khăn khi phải vận dụng các lý thuyết được học để giải quyết những tình huống thực tế trong công việc.

TS Trần Văn Hải, ĐH KHXHNV (ĐHQG Hà Nội) thì cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực thấp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ cách đối xử không công bằng với KHXHNV. Do tính đặc thù của KHXHNV, các công trình nghiên cứu của ngành cũng ít được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, các nghiên cứu về KHXHNV lại càng ít hơn. Vì vậy đã có cái nhìn dựa trên các con số và kết luận rằng, các nghiên cứu về KHXHNV của Việt Nam đã ít về số lượng lại yếu về chất lượng, dẫn tới sự ứng xử ít coi trọng hơn so với các khoa học khác. TS Hải nhấn mạnh, tình trạng yếu kém và bị coi nhẹ của KHXHNV, nhất là trong lĩnh vực giáo dục ĐH làm cho những ai quan tâm đến tương lai đất nước phải lo ngại. Những sai lầm về công nghệ, kỹ thuật để lại hậu quả lớn, nhưng vẫn có thể khắc phục được trong một thời gian nhất định, nhưng những sai lầm thuộc về lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng và lâu dài, trong nhiều trường hợp không thể khắc phục được.

Việc quan tâm đào tạo và phát triển KHXHNV góp phần hình thành con người và nguồn nhân lực với tư cách là chủ thể của xã hội, có trình độ học vấn mang đậm tính nhân văn và các giá trị văn hóa tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới đất nước. Vì vậy, việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực này vừa mang tính cấp thiết vừa là định hướng lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực khối ngành khoa học xã hội và nhân văn: Đối diện nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.