Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nhập quốc tế, hướng tới thực tiễn

Duy Anh| 09/12/2013 02:42

(HNM) - Phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, bên cạnh việc kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học (NCKH), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) còn đặc biệt quan tâm đến chuyển giao tri thức, sản phẩm và các giải pháp (Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đến cộng đồng.

Gian trưng bày của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, tại Triển lãm và hội nghị thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ.



Gia tăng công bố quốc tế

Trên con đường xây dựng và phát triển thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực ngang tầm châu lục, dần đạt trình độ quốc tế, ĐHQGHN xác định hoạt động KH và CN là nền tảng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo và gia tăng các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế tri thức của đất nước. GS,TS Nguyễn Hữu Đức (Phó Giám đốc ĐHQGHN) cho biết: "Cũng như các trường ĐH nghiên cứu trên thế giới, nghiên cứu cơ bản trên các lĩnh vực KHXH&NV, khoa học tự nhiên, các ngành công nghệ và kinh tế - xã hội mũi nhọn... là thế mạnh của ĐHQGHN và công bố quốc tế đã trở thành văn hóa chất lượng".

20 năm qua, số bài báo quốc tế trong hệ thống ISI của ĐHQGHN đã tăng lên 20 lần (năm 1993 - 10 bài/năm, năm 2013 - gần 200 bài/năm), chiếm hơn 12% tổng số bài báo ISI của cả nước. Nhiều bài báo có số lần trích dẫn cao (từ 50 đến 500 lần). Đây là những chỉ số quan trọng để đánh giá cả trình độ nghiên cứu và mức độ hội nhập của ĐHQGHN. Trên cơ sở này, từ năm 2012, bảng xếp hạng quốc tế QS đã ghi nhận và xếp ĐHQGHN vào nhóm 250 (5%) trường đại học nghiên cứu hàng đầu Châu Á.

NCKH đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ. Đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN) và công nghệ (CN), hơn 50% NCS bảo vệ luận án TS có bài báo quốc tế. NCKH cũng đã tạo các tiền đề để phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo mới, chưa có trong danh mục đào tạo của Nhà nước, tạo ra nét độc đáo và tiên phong của ĐHQGHN, như các chuyên ngành vật liệu và linh kiện nanô, biến đổi khí hậu, khoa học bền vững…

Nhằm thúc đẩy hơn nữa việc công bố các kết quả nghiên cứu ra thế giới, theo kế hoạch, từ năm 2014, ĐHQGHN sẽ hợp tác với Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) nhằm xuất bản chuyên san Nghiên cứu Việt Nam.

Xứng danh "đầu tàu"

Xác định khoa học phải luôn hướng đến việc giải quyết các yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, ĐHQGHN phát triển đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực KHTN và KHXH&NV, KH và CN trong các nghiên cứu liên ngành. Các công trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV đã góp phần bảo đảm luận cứ khoa học cho việc xây dựng các định hướng chiến lược, chính sách, chủ trương, kế hoạch, quy hoạch phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, quy hoạch phát triển các ngành, địa phương. Nhiều chương trình, dự án, đề tài KHCN đã đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như các công trình về "Luận cứ khoa học lịch sử, địa lý và pháp lý của nước CHXHCN Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", "Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ, biên giới Tây Nam"... Các nghiên cứu về quá trình biến đổi cơ cấu KT - XH trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề bình đẳng giới, bình đẳng xã hội… cũng góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách KT-XH ở tầm vĩ mô, trong đó Báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam đã trực tiếp cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng... Hiện nay, ĐHQGHN đang được Chính phủ giao chủ trì Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Các nghiên cứu trong các lĩnh vực KHTN và CN cũng được định hướng gắn việc phát triển sản phẩm và giải pháp KH và CN với việc phục vụ thực tiễn. Trong giai đoạn 2009-2013, các nhà khoa học ĐHQGHN đã đăng ký hơn 10 sáng chế.

Tại triển lãm và hội nghị thương mại hóa sản phẩm KH và CN quy mô lớn của ĐHQGHN vừa được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm ĐHQGHN, gần 30 sản phẩm và giải pháp ứng dụng KH và CN tiêu biểu đã được giới thiệu, hàng chục hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ đã được ký kết. Có thể kể đến thỏa thuận với UBND tỉnh Hà Nam hay các hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất 3 loại bộ kit tinh sạch DNA/RNA với Công ty cổ phần ANABIO RESEARCH & DEVELOPMENT; sản phẩm diesel sinh học thay thế cho dầu mỏ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho Công ty Vận chuyển khách Bài Thơ (tỉnh Quảng Ninh); công nghệ chọn lọc giống cây có dầu năng suất cao phù hợp với các vùng đất hoang hóa với Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản (Hội KHKT Nông nghiệp); sản phẩm gạch xốp cách nhiệt chịu lửa cho Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa và xây lắp điện Việt - Trung; công nghệ bào chế thuốc viên nén bao phim Enereffect - Plus có độ ổn định cao với Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình; phát triển ứng dụng thử nghiệm hệ thống IP camera cho chip mã hóa tín hiệu video theo chuẩn H.264/AVC với Công ty cổ phần Điện tử chuyên dụng HANEL... Triển lãm đã gây ấn tượng sâu sắc với người xem, như Bộ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Quân đánh giá: Đây là một triển lãm KHCN "hiếm" tại các trường đại học. Với tôn chỉ "khoa học vị nhân sinh", ĐHQGHN đã có những nỗ lực lớn trong việc thương mại hóa các sản phẩm KHCN, tạo sự gắn kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp, đưa giải pháp và sản phẩm KHCN ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Là cơ sở NCKH có tiềm lực về đội ngũ cán bộ khoa học mạnh nhất với 1.500 cán bộ, trong đó có 349 GS, PGS và 839 TSKH và TS, cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu tương đối hiện đại, trong đó có gần 30 phòng thí nghiệm trọng điểm tạo điều kiện để giảng viên nhà trường nghiên cứu, sáng tạo cũng như để các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp bên ngoài phối hợp trong NCKH, ĐHQGHN xứng đáng là "đầu tàu" của giáo dục đại học Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nhập quốc tế, hướng tới thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.