Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ GD đưa 6 trường sư phạm sang Hàn Quốc học hỏi

Theo Thái Linh| 11/12/2013 10:31

Ngày 10/12, thực hiện Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc với 6 trường sư phạm để thống nhất đưa cán bộ, giảng viên sang Hàn Quốc học hỏi.

Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, các trường sư phạm phải là "đầu tàu" trong việc thực hiện đổi mới - không thể đào tạo như hiện nay. Do đó, với các thầy cô giáo ở các trường sư phạm - Bộ trưởng đề nghị "khẩn trương nhưng không ồn ào, chắc chắn nhưng không trì trệ" để có những đổi mới căn bản hoạt động của nhà trường để làm động lực thúc đẩy đổi mới giáo dục chung của đất nước.

Theo thông tin Bộ trưởng cho biết thì hiện tại Bộ đã cấp kinh phí cho 6 trường sư phạm sang Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm. 6 trường sư phạm gồm: ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Vinh, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm Huế.

Nói đến tầm quan trọng của việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ giáo viên, Giáo sư Đinh Quang Báo, thành viên Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, cho biết: "Dù có chương trình, có sách theo đúng quan điểm đổi mới nhưng đội ngũ giáo viên vẫn cũ thì cải cách giáo dục vẫn sẽ thất bại. Vì thế, giáo viên là yếu tố quyết định".

6 trường Đại học sư phạm sẽ được cấp kinh phí sang Hàn Quốc học hỏi.


Nhưng theo giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, làm sao để hơn 1 triệu giáo viên thay đổi được thói quen, phương pháp giảng dạy đã theo họ hàng chục năm nay là một bài toán đau đầu của ngành.

Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề khác như làm sao đảm bảo chất lượng giáo dục khi cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn? Làm sao giáo viên có điều kiện tiếp cận năng lực từng học sinh khi sỹ số quá đông? Thực hiện phân hoá sau bậc trung học cơ sở thì bậc trung học phổ thông sẽ tổ chức thế nào?

Theo Bộ trưởng, trong thiết kế chương trình mới, người thầy không chỉ đơn thuần là người cung cấp, truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà là người cố vấn, người tổ chức, người hướng dẫn cho học sinh. Nghĩa là chuyển từ dạy nhiều, tự học ít hiện nay sang dạy ít, tự học nhiều.

Tuy nhiên, đề án đã khẳng định rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục, các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở cả Trung ương và địa phương".

Cải cách ở đây, như nhiều nhà giáo, nhà khoa học quan niệm, là sự đổi mới cơ bản và toàn diện, bao gồm: đổi mới về tư tưởng giáo dục (lý luận/ triết lý) trong đó đặc biệt quan trọng là tái xác định mục tiêu giáo dục; đổi mới về cơ cấu hệ thống giáo dục; về nội dung và phương pháp giáo dục (chương trình, sách giáo khoa/ giáo trình)...

Xác định lại mục tiêu giáo dục là cần thiết vì mục tiêu giáo dục không phải là bất biến. Dù rằng trọng tâm của mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người và thế hệ có đức, có tài nhưng mỗi thời đại lại có những đòi hỏi cụ thể về đức và tài. Bởi vậy, trong hoàn cảnh mới - đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế - rất cần xác định lại mục tiêu giáo dục cho phù hợp với những đòi hỏi mới của đất nước và xã hội.

Ngày nay phải đặt trọng tâm vào việc đào tạo những con người trung thực và sáng tạo, nhân ái và khoan dung, biết hợp tác và dám cạnh tranh, biết học tập suốt đời - những người Việt Nam giàu lòng yêu nước và có nhân cách, luôn vững vàng trong một thế giới đang thay đổi hằng ngày.

Yêu cầu quan trọng đối với một cuộc cải cách giáo dục là các giải pháp phải có căn cứ lý luận và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán, dựa trên một đề án tổng thể.

Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, các giải pháp đồng bộ, khả thi, có cơ sở khoa học. Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, từ đầu mà cần vừa củng cố, phát huy các thành tựu và điển hình đổi mới, vừa kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố tích cực mới.

Những hạn chế, thách thức của giáo dục phải được nhận thức sâu sắc, có giải pháp hữu hiệu và lộ trình để khắc phục, vượt qua để đưa sự nghiệp giáo dục lên tầm cao mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD đưa 6 trường sư phạm sang Hàn Quốc học hỏi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.