Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung triển khai ba vấn đề trọng yếu

Thống Nhất thực hiện| 01/01/2014 07:21

(HNM) - Năm 2013 khép lại với những dấu ấn đậm nét của giáo dục (GD) nước nhà, trong đó có Nghị quyết 29-NQ/TƯ về

- Thưa Bộ trưởng, trong năm 2014, những vấn đề nào sẽ được ngành GD-ĐT ưu tiên triển khai để tạo ra sức bật cho cả lộ trình của đề án?

- Nói riêng trong lĩnh vực GD phổ thông, trong thời gian qua, chúng tôi đã thực nghiệm nhiều việc để có cơ sở vững chắc đề xuất với Trung ương. Ví dụ, chuyển đổi phương pháp dạy và học từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp hình thành năng lực, kỹ năng và phẩm chất người học; chuyển từ cách truyền đạt chủ yếu là đọc chép sang lấy người học làm trung tâm. Việc thực nghiệm không chỉ diễn ra ở một tỉnh, thành phố hoặc ở những địa phương có điều kiện thuận lợi, mà đã triển khai cả ở các tỉnh rất khó khăn, như Lào Cai, Kon Tum, Bắc Kạn, Cà Mau, Kiên Giang... Các mẫu triển khai đã khắc phục được hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan, tình trạng quá tải; bước đầu đã thay đổi được phương pháp dạy và học, nâng cao được tính chủ động và sáng tạo của học sinh. Những việc này sẽ được tiếp tục trong năm 2014.

Một giờ học trên máy vi tính của học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Ảnh: Thái Hiền



Trong năm 2014, ba việc ưu tiên lớn nhất của GD là: Thứ nhất, phải thiết kế cho xong chương trình, nội dung SGK phổ thông; thứ hai, thay đổi đào tạo của các trường sư phạm và thứ ba, tìm mọi cách nâng cao chất lượng của GD đại học (ĐH), theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo cho SV.

- Bộ trưởng từng nói, coi việc đổi mới GD lần này là "một trận đánh lớn". Với tư cách là tổng chỉ huy, ông xác định đâu là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công?

- Tôi có dùng hình ảnh "một trận đánh lớn" để nói đến lực lượng gồm nhiều binh chủng, phối hợp nhiều chiến dịch, giải quyết nhiều mục tiêu. Ví dụ như: Mục tiêu cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mang được lá cờ cắm trên Dinh Độc Lập. Nhưng ngay từ năm 1954 mà chúng ta muốn mang cờ vào Dinh Độc Lập thì là điều không thể. Chúng ta phải đánh bằng nhiều lực lượng, đánh nhiều trận, đánh thắng từng bước để tiến tới thắng lợi cuối cùng. GD cũng vậy, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện mục tiêu này phải triển khai từng bước. Chúng tôi đã thảo luận và đi đến thống nhất sẽ bắt đầu từ những khâu xung yếu nhất, không cần phải đầu tư nhiều kinh phí mà vẫn có thể bảo đảm được yếu tố chắc thắng nếu chuẩn bị chu đáo, từ đó sẽ lan tỏa, làm lay chuyển các khâu khác. Đối tượng của GD là con người, không có chỗ cho thử nghiệm thắng hay không thắng, mà phải chắc chắn thắng.

Để thực hiện thành công đổi mới GD, chúng tôi cho rằng đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là khâu khởi đầu và theo tôi, có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí là yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Bởi vì nếu không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì không thể có chương trình, kế hoạch chuẩn xác để triển khai được.

Đổi mới quản lý sẽ là giải pháp then chốt, bởi vì đổi mới GD-ĐT không phải là việc của riêng Bộ GD-ĐT hay bộ trưởng, mà là của gần 2 triệu thầy cô giáo, của 20 triệu HSSV toàn quốc. Mà cũng không phải chỉ có 22 triệu thầy cô giáo, HSSV ngành GD triển khai đổi mới. Trên thực tế, tất cả các ngành, các cấp, cả xã hội sẽ cùng với chúng tôi thực hiện công cuộc đổi mới GD, như vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo, phối hợp rất ăn khớp và đồng bộ.

Trong nội bộ ngành GD, chúng tôi xác định đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá vì các lý do sau: Thứ nhất, nền GD hiện nay nặng về ứng thí, đổi mới thi cử sẽ dẫn đến đổi mới trong nội dung, phương pháp học và dạy. Đổi mới thi cử không là mục tiêu cuối cùng, nhưng nếu làm tốt sẽ làm lay chuyển các khâu xung yếu khác, dẫn đến sự thay đổi trong cả hệ thống và sẽ tạo ra những thay đổi về chất. Thứ hai, thi cử đang là khâu gây nhiều bức xúc, được cả xã hội quan tâm. Thứ ba, như tôi đã nói, nếu chuẩn bị chu đáo thì chúng ta có thể thực hiện được ngay đổi mới thi cử, bảo đảm được yếu tố chắc thắng mà không cần phải đầu tư nhiều…

- Nói vậy, GD Việt Nam trong năm 2014 sẽ phải triển khai rất nhiều việc, và dường như khâu nào cũng đều có ý nghĩa quan trọng quyết định đến sự thành công của đề án. Vậy còn vai trò và nhiệm vụ của "cỗ máy cái" trong lộ trình này ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Chất lượng đội ngũ người thầy có vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới GD. Vì vậy, những công việc liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo sẽ được đẩy mạnh trong năm nay, trước hết là việc đổi mới hoạt động của các trường sư phạm. Việc đổi mới các trường sư phạm không có mục đích tự thân, mà là đổi mới nhận thức, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên phổ thông phục vụ đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015, nên phải được tiến hành trước một bước. Chúng tôi đã làm việc với hiệu trưởng của 6 trường ĐH sư phạm lớn và thống nhất nhiệm vụ ưu tiên của các năm tới theo hướng lớn là: Giữa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và ĐH thì sẽ chú trọng ĐH; giữa đào tạo chính quy và phi chính quy thì ưu tiên đào tạo chính quy; giữa đào tạo mới và đào tạo lại thì chú trọng đào tạo lại; giữa đào tạo và bồi dưỡng thì chú trọng bồi dưỡng… Tôi tin tưởng rằng, cách thức triển khai như vậy sẽ góp phần tạo chuyển biến cần thiết về chất lượng cho đội ngũ nhà giáo, một trong các yếu tố then chốt quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung triển khai ba vấn đề trọng yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.