Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành giáo dục Thủ đô: Vững nền, bền chất lượng

Thống Nhất| 11/02/2014 07:09

(HNM) - Năm 2014 - năm đầu tiên ngành GD-ĐT thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cũng là năm đánh dấu tròn 60 năm phát triển ngành GD-ĐT Thủ đô. Thành tựu đạt được là minh chứng cho chặng đường vẻ vang và vị thế


Ghi dấu sự kiện ý nghĩa này, Hà Nội đã phát động đợt thi đua đặc biệt trong toàn ngành, phấn đấu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh (HS) trở thành những điển hình tiên tiến, tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng giáo dục ở giai đoạn mới.

Vững vàng chặng xây nền

60 năm trước, vào những ngày đầu tháng 10-1954 lịch sử, trong niềm hân hoan của nhân dân Hà Nội trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, những người làm công tác giáo dục của Thủ đô nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm khi tiếp quản một mạng lưới giáo dục còn chưa phát triển. Cả Hà Nội khi ấy chỉ có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông và một trường kỹ nghệ thực hành với tổng số chưa đầy một vạn HS. Dù bộn bề khó khăn, nhưng chỉ 10 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình. Ngày 18-12-1954, khi đến thăm một số trường phổ thông của Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: "Ngày nay đất nước ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thực sự là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng với vai trò của người chủ thì phải học tập".

Chất lượng giáo dục Thủ đô ngày càng được nâng cao và bền vững. Ảnh: Bá Hoạt



Nhớ lời dạy của Bác, 60 năm qua, thầy và trò ngành GD-ĐT Thủ đô đã không ngừng phấn đấu gây dựng sự nghiệp "trồng người" ngày càng phát triển, góp phần rèn đức, luyện tài cho bao thế hệ chủ nhân của Hà Nội và đất nước. Từ một xuất phát điểm gần như không có gì, đến nay, giáo dục Thủ đô đã phát triển lên gần 2.500 trường công lập và ngoài công lập với 1,4 triệu HS các cấp học. Trong đó, giáo dục mầm non đã đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 30% trẻ trong tuổi nhà trẻ, 90% trẻ mẫu giáo trong độ tuổi. Giáo dục tiểu học của Hà Nội được phổ cập từ nhiều năm nay và đang tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học vào năm sau. Chất lượng giáo dục đại trà luôn ổn định với tỷ lệ tốt nghiệp THPT, điểm trung bình thi tuyển vào ĐH, CĐ hằng năm luôn đứng trong tốp đầu của cả nước. Chất lượng giáo dục "mũi nhọn" ngày càng tiến bộ, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây khi có số lượng HS THPT đoạt giải quốc gia cao nhất trong các địa phương; tô thắm bảng vàng thành tích giáo dục Thủ đô khi liên tục đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế thường niên như: Thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi khoa học trẻ, các môn văn hóa…

Một số kết quả nổi bật của giáo dục Hà Nội 5 năm gần đây:
Năm 2009 được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; 4 năm liền được nhận Bằng khen và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT và UBND TP Hà Nội; có 51 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Tăng chất lượng, giảm khoảng cách

Thực hiện Nghị quyết số 15/ 2008/NQ-QH12, năm 2008 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của giáo dục Thủ đô khi quy mô giáo dục tăng gấp đôi, là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng trường học và giáo viên, HS. Đây cũng là giai đoạn Hà Nội đối mặt với nhiều thách thức trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục bởi những khác biệt nhất định về điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội ở các nhà trường, các địa bàn.

Vì vậy, việc đầu tư cho các điều kiện phục vụ dạy học (cơ sở vật chất trường, lớp và đội ngũ giáo viên) được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng, giảm những khoảng cách về mọi mặt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và nơi khó khăn. Kinh phí bồi dưỡng giáo viên hiện đã lên tới hơn 20 tỷ đồng/năm, tăng 2,5 lần so với 5 năm trước, góp phần hoàn thiện về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho hơn 70 nghìn giáo viên các cấp học. Tình trạng "xôi đỗ" về chất lượng giáo viên giảm hẳn. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia không còn là việc của riêng ngành giáo dục, mà được đưa vào Nghị quyết HĐND thành phố, trở thành nhiệm vụ chính trị của mọi lực lượng nhằm chung sức xây dựng môi trường sư phạm đạt chuẩn, tạo ra những "sản phẩm" đạt chuẩn toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Tính đến hết năm 2013, toàn thành phố đã có 900 trường chuẩn quốc gia, chiếm 37% và sẽ nâng tỷ lệ này lên 50% vào năm 2015. Các quận, huyện, thị xã đều tập trung đầu tư mở rộng trường, lớp, tạo điều kiện cho 85% HS tiểu học và hơn 30% HS THCS được học 2 buổi/ngày tại trường nhằm tăng quỹ thời gian học tập và hoạt động ngoại khóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS. Tại các kỳ thi phổ thông cấp quốc gia, quốc tế những năm gần đây, ngoài HS của các trường có truyền thống dạy học và nơi có nhiều thuận lợi, ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt mới tại các huyện, vùng khó như Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa, Sơn Tây…

Nhằm giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống của người Thủ đô, Hà Nội đã biên soạn, triển khai dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho HS" ở các nhà trường trên địa bàn thành phố từ ba năm nay. Ngoài ra, HS còn được trang bị kiến thức về văn hóa, lịch sử qua tài liệu "Lịch sử Hà Nội" do Sở GD-ĐT biên soạn. Cho đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên, duy nhất của cả nước biên soạn thành công và triển khai giảng dạy tài liệu về giáo dục nếp sống cho HS ở cả ba cấp học (Tiểu học, THCS và THPT), là sáng kiến được Bộ GD-ĐT, đồng nghiệp đánh giá cao. Cùng với nhiều biện pháp linh hoạt trong tổ chức sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, hoạt động xã hội, cách thức này đã góp phần tích cực trong công tác giáo dục nhân cách HS, tạo nên sự bền vững về chất lượng trong giáo dục làm người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành giáo dục Thủ đô: Vững nền, bền chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.