Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ quy trình, tăng kiểm soát

Thống Nhất thực hiện| 03/04/2014 06:50

(HNM) - Tháng 3 vừa qua, Bộ GD-ĐT liên tiếp ban hành văn bản yêu cầu địa phương tăng cường quản lý việc này, tinh thần chung là chỉ cho phép thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện, còn lại là cấm.


- "Lệnh" cấm dạy học ngoại ngữ cho trẻ MN của Bộ GD-ĐT có gây ảnh hưởng đến các trường tại Hà Nội không, thưa bà?

- Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, đa số phụ huynh muốn cho con làm quen với ngoại ngữ từ nhỏ, coi đó là hành trang cần thiết và quan trọng giúp con trẻ bước vào giai đoạn hội nhập. Luật Thủ đô cũng nêu rõ đây là yêu cầu cần có trong trường MN chất lượng cao. Đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam được Bộ GD-ĐT phê duyệt gần đây cũng đề cập đến việc tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Tại đa số trường MN ngoài công lập ở Hà Nội, phụ huynh đều mong muốn có chương trình làm quen với ngoại ngữ. Quá trình triển khai hoạt động này cho thấy nhiều trẻ rất hứng thú, năng động và thích được đến lớp hơn. Từ những căn cứ này, ngày 31-3, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn, cho phép một số trường có đủ điều kiện cần thiết có thể tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ thông qua các bài hát, trò chơi… phù hợp với lứa tuổi.

Các bé tại một trường mầm non trong tiết học làm quen với tiếng Anh. Ảnh: Văn Chung



- Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, hiện có nhiều nơi thiếu điều kiện cần thiết nên việc dạy ngoại ngữ cho trẻ MN chưa hiệu quả, khiến phụ huynh bức xúc. Tình trạng này có xảy ra ở Hà Nội không?

- Thực tế kiểm tra cho thấy không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên để tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Trong quá trình triển khai, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thẩm tra chương trình, nội dung tài liệu làm quen với ngoại ngữ rất nghiêm khắc và chặt chẽ, mục tiêu là không gây quá tải với trẻ MN; theo phân cấp, quận, huyện chịu trách nhiệm thẩm tra điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Thực tế cho thấy, tại nhiều trường, dù phụ huynh có nhu cầu nhưng do trường không đủ điều kiện cần thiết nên đã không được phép tổ chức thực hiện việc này nhằm tránh gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

- Điều kiện để nhà trường được tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở Hà Nội là gì, thưa bà?

- Việc tổ chức cho trẻ MN làm quen với ngoại ngữ chỉ được triển khai ở những trường có điều kiện (về cơ sở vật chất, giáo viên), phù hợp với lứa tuổi, trên tinh thần tự nguyện và phải công khai, minh bạch về tài chính, đó là bốn điều kiện bắt buộc. Trong văn bản hướng dẫn được ban hành ngày 31-3, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cụ thể hóa các điều kiện này để vừa tạo thuận lợi cho cơ sở khi triển khai, vừa tạo căn cứ cho các cấp quản lý kiểm tra, đánh giá và xử lý sai phạm.

-

Giáo viên tham gia hoạt động cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm ngoại ngữ (hoặc CĐ ngoại ngữ) trở lên; có năng lực ngoại ngữ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 24-1-2014 hoặc tương đương; được bồi dưỡng về nghiệp vụ mầm non.

Mức thu của hoạt động này tại các nhà trường được ấn định ra sao?

- Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh, Hà Nội cho phép các trường MN có thể lựa chọn trong số các chương trình đã được Sở cấp phép, vì vậy, mức thu có sự khác biệt ở từng trường, song phải thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch về tài chính. Mức thu của những chương trình đang thực hiện tại các trường phổ biến ở mức từ 50 nghìn đồng đến 450 nghìn đồng/HS/tháng. Tùy theo điều kiện cụ thể và nhu cầu của phụ huynh mà các trường lựa chọn chương trình phù hợp với trẻ mẫu giáo. Việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ chỉ là một trong các hoạt động vui chơi của trẻ tại trường như múa, hát, võ, vẽ…; phụ huynh được chủ động lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ tham gia hoạt động làm quen với ngoại ngữ hiện nay tập trung ở các trường thuộc khu vực nội thành và huyện Thanh Trì, quá trình triển khai ở các nhà trường trong thời gian qua chưa có gì gây bức xúc.

- Công tác hậu kiểm sẽ được tiến hành ra sao để bảo đảm quyền lợi cho trẻ?


- Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra, giám sát việc tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ nói riêng và việc thực hiện chương trình giáo dục MN nói chung một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt, đồng thời phân cấp về trách nhiệm cho từng cấp quản lý. Trong quá trình thẩm định và cấp phép, Sở GD-ĐT khuyến khích nhiều đơn vị tham gia thực hiện chương trình nhằm tạo thêm cơ hội cho cơ sở và phụ huynh trong việc lựa chọn chương trình phù hợp, chất lượng. Cách thức này đòi hỏi các đơn vị phải thường xuyên cập nhật nội dung mới để tổ chức triển khai, bảo đảm quyền lợi cho trẻ và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của phụ huynh.

- Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rõ quy trình, tăng kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.