Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ mãi người thầy uyên bác và đức độ

Thanh Tuyền| 16/05/2014 06:30

(HNM) - Dù đã đi xa cách đây hơn 20 năm, song những kỷ niệm về Giáo sư Chủ nhiệm Khoa - Hoàng Xuân Nhị vẫn in đậm trong tâm trí các thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội).

Xuất thân trong một gia đình và dòng họ nho học có truyền thống khoa bảng, sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Sorbone danh tiếng của Pháp, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã tham gia dạy học, nghiên cứu tại Pháp và các hoạt động của phong trào Việt kiều yêu nước. Cuối năm 1946, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị cùng một số người bạn trí thức Việt Nam có tên tuổi tại Pháp bấy giờ như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Thiêm… về nước tham gia cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi trí thức ra giúp nước của Hồ Chủ tịch.

Được giao trọng trách là Viện trưởng Viện Văn hóa kháng chiến, rồi Giám đốc Nha Giáo dục Nam bộ, với vốn ngoại ngữ sâu rộng, thầy đã xây dựng được một hệ thống các trường học và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, viết sách giáo khoa, phụ trách công tác binh vận, làm Tổng Biên tập Báo La Voix Du Maquis (Tiếng nói kháng chiến) - Tờ báo bằng tiếng nước ngoài đầu tiên của chính quyền cách mạng miền Nam.

Hòa bình lập lại, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị cùng các nhà trí thức như Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Hoán… trở thành những cây đại thụ góp phần đặt nền móng và xây dựng nền giáo dục đại học của đất nước. Năm 1957, thầy được giao trọng trách Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Suốt 25 năm làm Chủ nhiệm khoa, thầy đã có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển ngành văn học, văn hóa và ngôn ngữ học Việt Nam ở bậc đại học và trên đại học, đồng thời có nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm lý luận phê bình văn học và mỹ học có giá trị. Không phải sau này mà ngay từ thời đó, tên tuổi thầy đã nổi tiếng với danh hiệu "giáo sư đại tài" do đồng nghiệp quý mến phong tặng vì năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ, khả năng triển khai những vấn đề mang tầm cỡ chiếc lược trong giáo dục, đào tạo. Nhiều nhà lãnh đạo, nhà lý luận, nhà văn, trí thức nổi tiếng của Việt Nam, nhiều thế hệ các nhà văn, nhà báo, nhà phê bình, nhà quản lý văn học, nghệ thuật đã từng là học trò của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị.

Bên cạnh công tác quản lý và đào tạo, thầy là một nhà nghiên cứu làm việc không biết mệt mỏi. Thầy là người đi tiên phong trong việc dịch, giới thiệu và phổ biến văn học Nga và Xô Viết; nghiên cứu về lý luận triết học, mỹ học Mác - Lê nin. Nhiều tác giả vĩ đại của văn học Nga thế kỷ XIX trở nên quen thuộc với các thế hệ độc giả Việt Nam, một phần cũng nhờ những bộ sách của thầy. Một đóng góp quan trọng nữa của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị trong lĩnh vực văn học nằm ở việc thầy là một trong những người đầu tiên nghiên cứu có hệ thống thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh và đưa vào chương trình giảng dạy đại học.

Là một người sống giản dị, không màng danh lợi phú quý, say mê với nghề nhà giáo và công tác nghiên cứu khoa học xã hội, thầy đã đôi lần từ chối việc bổ nhiệm vào các cương vị cao hơn như đại sứ tại nước ngoài, hiệu trưởng, viện trưởng để tập trung cho công việc chuyên môn của một nhà giáo, nhà văn và nhà nghiên cứu lý luận phê bình.

Tên của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã được đặt cho một con đường sầm uất thuộc quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, một con đường đẹp ở TP Đà Nẵng. Tại huyện U Minh (Cà Mau), Trường THCS mang tên Hoàng Xuân Nhị… là sự ghi nhận đóng góp của thầy cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhớ mãi người thầy uyên bác và đức độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.