Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những hiện tượng “lệch chuẩn”

Nhóm PV Nội chính - Văn xã| 20/08/2014 06:02

LTS: Vụ thu tiền

LTS: Vụ thu tiền "chống trượt" trong kỳ thi tuyển sinh cao học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Hóa vỡ lở tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Điều đáng nói là, việc này không bất ngờ với nhiều người, bởi từ lâu chất lượng dạy và học cũng như sự thiếu chặt chẽ trong khâu tổ chức, quản lý tại các lớp liên kết đào tạo cho cán bộ đã được báo động.

Bài 1: Những hiện tượng “lệch chuẩn”

Liên kết đào tạo là mô hình giáo dục đã được nhân rộng từ nhiều năm trước, đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo thêm cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, theo thời gian hình thức này đã có những biến tướng, từ mục đích của người học cho tới chất lượng đào tạo gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Chất lượng công tác tổ chức, quản lý các lớp liên kết đào tạo chưa như mong muốn. Ảnh: Như Ý


Đưa lớp học về gần người học

Chủ trương xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân ở mọi lứa tuổi, trình độ có cơ hội học tập thường xuyên theo tinh thần của Đề án "xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã và đang được triển khai sâu rộng tại các địa phương. Các chương trình đào tạo liên kết ngày càng phát triển về quy mô và đa dạng về trình độ, ngành nghề, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước đây, việc đào tạo các hệ CĐ, ĐH ở nước ta chỉ tổ chức tại trường nên có những người không đỗ phải đợi hàng năm mới có cơ hội thi lại, nhiều người ở xa thành phố đã phải từ bỏ ước mơ học tập nâng cao trình độ. Có nhiều trường hợp cơ quan cử đi học nhưng không thể theo đến cùng bởi phải học tập trung ở các trường, không bảo đảm được công việc cơ quan, đơn vị cũng như việc gia đình. Và thực tế hiện nay cũng có nhiều cán bộ, công chức nhà nước muốn theo học dưới hình thức vừa đi làm, vừa đi học để nâng cao trình độ, có cơ hội làm việc tốt hơn… Các lớp đào tạo liên kết ở các trình độ CĐ, ĐH, trên ĐH cũng vì thế đã được tổ chức tại địa phương vừa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của công nhân viên chức người lao động, vừa khỏa lấp được những hạn chế trước đây trong quy định đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập, thường xuyên và tại chỗ của người học.

Cách thức đưa lớp học về gần với người học - tổ chức tại địa phương bằng nhiều phương thức học tập linh hoạt (tập trung theo đợt, vào cuối tuần, ngoài giờ hành chính…) đã giúp những người ở vùng sâu, vùng xa, bận việc, ít có thời gian… có thêm cơ hội học tập, phát triển. Ngay tại Hà Nội, nơi tập trung cả trăm trường ĐH, CĐ, song vẫn có nhiều lớp theo phương thức này được triển khai tại một số trung tâm giáo dục thường xuyên và trường trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Sở GD-ĐT. Từ năm 2011 đến nay, số học viên tốt nghiệp các lớp đào tạo liên kết của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hà Tây là gần 2.500 người, đa phần ở hệ đào tạo ĐH. Số lượng học viên theo học trình độ ĐH tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đông Anh năm 2014 là hơn 1.300 người, những năm trước đó còn lên tới gần 2.000 người.

Chất lượng ngược với nhu cầu và quy mô

Tuy nhiên, chất lượng của hình thức đào tạo này, theo thời gian, có phần đã đi ngược lại với nhu cầu và quy mô của nó. Thực tế cho thấy, nếu người học có nhu cầu học tập nghiêm túc để làm việc hiệu quả, có cơ hội công việc tốt hơn thì chắc chắn người dạy cũng sẽ phải theo đó mà chỉn chu với nhiệm vụ. Tuy nhiên, động cơ, cách thức học tập của mỗi người lại khác nhau, trong đó có tâm lý sính bằng cấp, mong muốn có tấm bằng để được bổ nhiệm, nâng ngạch bậc... không phải là ít. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng ở một số nơi, có những người đã tìm mọi cách, thậm chí bất chấp sai phạm để "lọt" qua các kỳ thi (đầu vào, đầu ra), trong đó có chuyện nộp tiền "chống trượt"… Những sai phạm như ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Hóa là một dẫn chứng cụ thể cho những sai phạm như vậy. Rõ ràng trong vấn đề này không thể không đề cập tới trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.

Kết quả thanh tra các chương trình liên kết đào tạo của Bộ GD-ĐT năm 2013 đã cho thấy nhiều tồn tại trong quá trình thực hiện. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã nêu ra một số vi phạm chủ yếu trong đào tạo liên kết: Một số trường triển khai đào tạo khi chưa có quyết định cho phép của cấp có thẩm quyền, sai về đối tượng liên kết, đối tượng đào tạo. Có trường tổ chức đào tạo ở địa điểm không bảo đảm điều kiện quy định hoặc tại cơ quan không phải là cơ sở giáo dục. Có trường như ĐH FPT tuyển sinh vượt quy mô cho phép; ĐH Hoa Sen không tổ chức thực hiện chương trình liên kết mà giao cho đơn vị khác thực hiện, chưa bảo đảm đủ giảng viên theo quy định...

Niềm tin của xã hội với tấm bằng có từ hình thức đào tạo này ngày càng đi xuống, tỷ lệ nghịch với quyền tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH. Đó là điều không khó hiểu khi nhìn vào các chương trình đào tạo. Với những đối tượng vừa học vừa làm, thời lượng dạy và học, đồng nghĩa với khối lượng kiến thức bị rút ngắn tối đa. Mang "trọng trách" là "nồi cơm" của các trường nên quy mô các lớp mở tại địa phương được mở rộng, bất chấp các điều kiện bảo đảm chất lượng. Trong bối cảnh đào tạo chính quy của các trường còn đang quá tải trầm trọng vì thiếu giảng viên, thì các hệ đào tạo phi chính quy lại càng khó được bảo đảm về chất lượng giảng dạy.

Chất lượng đầu vào thấp, kiến thức bị cắt xén, chất lượng giảng dạy không được bảo đảm, chưa kể ý thức và mục đích học tập của học viên còn nhiều điều phải bàn, đã dẫn tới việc xã hội mất niềm tin với các hình thức đào tạo liên kết, phi chính quy. Việc từ chối tuyển dụng với người mang tấm bằng tại chức ở một số cơ quan vừa qua đã thể hiện điều đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những hiện tượng “lệch chuẩn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.