Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Không chỉ là chuyện của mỗi trường

Nghiêm Ý - Quỳnh Phạm| 23/08/2014 05:49

LTS: Xung quanh câu chuyện về đại học vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay, vẫn còn nhiều cách nhìn chưa thống nhất...

LTS: Xung quanh câu chuyện về đại học vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay, vẫn còn nhiều cách nhìn chưa thống nhất. Câu hỏi Việt Nam đã có ĐH phi lợi nhuận hay chưa? cũng chưa có câu trả lời. Và những ý kiến cảnh báo về sự sụp đổ của khối trường này nếu như cơ chế, chính sách cho họ không sớm được ban hành và đi vào cuộc sống cũng là điều rất đáng suy nghĩ.

Bài 1: Không chỉ là chuyện của mỗi trường

Trong hội thảo do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức ngày 22-8 với chủ đề Điều lệ trường ĐH tư thục phi lợi nhuận, các trường đã bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Nhìn chung đều nhấn mạnh: Sự thiếu rõ ràng trong cơ chế, chính sách với các trường ngoài công lập đang khiến cho các trường thêm khó nay càng chồng chất khó khăn.

Cơ chế, chính sách thiếu rõ ràng khiến các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Khánh Nguyên


Từ mâu thuẫn

Tại hội thảo nói trên, với sự tham gia của đại diện của Vụ Giáo dục ĐH và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội thẳng thắn trao đổi: Các trường ngoài công lập đã trải qua 20 năm hoạt động nhưng những tiêu chí để phân biệt giữa trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận chưa bao giờ được xây dựng. Bất cập nói trên khiến các trường hoạt động khó khăn, thiếu vững chắc và dẫn tới nhiều mâu thuẫn nội bộ khi "động đến" vấn đề quyền lợi.

Bà Bùi Trân Phượng, Trường ĐH Hoa Sen, ngôi trường đang trải qua những "sóng gió" của mâu thuẫn giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận đã phát biểu tại hội thảo: Nếu Luật Giáo dục không bảo vệ được giáo dục ĐH phi lợi nhuận thì các trường ngoài công lập có nguy cơ chết ngay từ các trường tốt nhất, mạnh nhất, điển hình là Trường ĐH Hoa Sen, chứ không phải các trường thất bại hay không thể tuyển sinh.

Chưa vội khẳng định khái niệm vì hay không vì lợi nhuận áp vào Trường ĐH Hoa Sen đúng ở mức nào, nhưng có thể khẳng định chính sự thiếu rõ ràng về sở hữu tài chính là nguyên nhân của những bất ổn tại ĐH Hoa Sen. Điều đó dẫn đến sự đấu tranh lợi ích giữa một bên là nhà quản lý và bên kia là nhà quản trị, ở đây là giữa Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là vị hiệu trưởng, với số vốn ít hơn, đã bị đa số cổ đông bỏ phiếu bãi nhiệm trong một đại hội cổ đông bất thường, kèm theo là uy tín của nhà trường sụt giảm sau một loạt cáo buộc của hai bên trong vấn đề quản lý, tài chính. Nhiều người cho rằng những bất ổn kiểu này ít nhiều đã âm ỉ ở nhiều nơi và bùng phát tại một số trường.

Từ ví dụ của Trường ĐH Hoa Sen, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH cho rằng trong các văn bản nhà nước cần phải tách bạch ra hai loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Cho tới nay, các chính sách chỉ áp dụng được đối với loại trường tư thục vì lợi nhuận. Ở đó, cổ đông (tức là người góp vốn) không chỉ được hưởng lợi tức mà còn có quyền can thiệp vào công việc điều hành nhà trường, được giữ các vị trí trọng trách trong trường. Còn các cán bộ, nhân viên của trường, gồm cả hiệu trưởng, là những người được tuyển dụng. Do đó, nếu không có vốn góp hoặc vốn ở mức thấp thì đương nhiên sẽ bị điều hành.

Tới một mô hình

Trong khi chưa có trường nào thực sự cho rằng đã hoạt động 100% phi lợi nhuận, thì trong hội thảo, Trường ĐH Phan Châu Trinh đã được nhiều người nhắc tới với một dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động không vì lợi nhuận gây chú ý. Theo đó, khái niệm "không vì lợi nhuận" tại Trường ĐH Phan Châu Trinh là nhà trường không phân phối nguồn thu và thặng dư đạt được trong quá trình hoạt động cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, mà sử dụng các quỹ này để tài trợ cho mục tiêu của trường hướng tới người học và cộng đồng. Tài sản hiến tặng là không hoàn lại. Trường không dùng khái niệm "góp vốn" mà thay bằng "tài trợ". Nhà tài trợ là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ vốn đầu tư phát triển cho nhà trường bằng cách cho trường vay tín chấp hoặc cho trường mượn trong thời gian nhất định mà không cần thế chấp tài sản. Số lượng, thời hạn, lãi suất và phương hướng thanh toán được thực hiện theo thỏa thuận bằng văn bản của nhà tài trợ và Hội đồng quản trị nhà trường. Trong đó, các điều kiện giải ngân, thời gian hoàn trả và mức lãi suất thuận lợi hơn so với chính sách cho vay của ngân hàng thương mại trong cùng thời điểm nhằm hỗ trợ cho nhà trường. Trong Hội đồng quản trị, các thành viên bên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu là 51%.

Nhận xét về mô hình của Trường ĐH Phan Châu Trinh, ông Trần Phương, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng: Đó là mô hình trường ĐH "vô chủ" của Mỹ, được xây dựng chủ yếu bằng vốn hiến tặng, như kiểu Trường ĐH Harvard. Họ không hoạt động với hình thức như Hội đồng quản trị mà có một bộ phận với người điều hành là hiệu trưởng, họp mỗi năm một lần chủ yếu để vận động tài trợ và bầu hiệu trưởng. Ông Trần Phương không tán thành mô hình này và cho rằng: Chúng tôi cần có đại hội đồng cổ đông, bầu ra Hội đồng quản trị, là đại diện cho những người chủ của trường (người góp vốn) để điều hành trường. Ông Trần Phương đặt vấn đề: Hiện nay Trường Phan Châu Trinh đang có những người sáng lập tâm huyết, họ là những người hiến tặng không đòi hỏi. Nhưng rồi 20 năm nữa, ai sẽ đứng ra lo cho trường. Ở Việt Nam, trường phải có chủ để lo cho nó, hết trăm năm này sang trăm năm khác. "Mô hình của Trường Phan Châu Trinh, tôi không theo được, và chắc ở Việt Nam không ai theo", ông Trần Phương kết luận.

Cuộc hội thảo mà mục đích ban đầu là tham khảo dự thảo Quy chế của Trường ĐH Phan Châu Trinh và liên hệ tới những vấn đề của ĐH phi lợi nhuận, đã đi xa hơn với nhiều bàn thảo và đề xuất của cả các trường cùng đại diện Bộ GD-ĐT. Những nội dung này sẽ được đề cập trong các bài viết tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Không chỉ là chuyện của mỗi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.