Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thừa văn bản quy định, thiếu chế tài đủ mạnh

Thống Nhất| 02/10/2014 06:47

(HNM) - Cuối tuần qua, hầu hết các trường học trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức họp phụ huynh năm học 2014-2015. Ghi nhận chung: Sức

Ai tiếp tay cho lạm thu?

Những ngày này, ở hầu khắp các diễn đàn, trong câu chuyện của các bậc phụ huynh, các khoản thu đầu năm học là đề tài được đề cập nhiều nhất. Mối băn khoăn lớn nằm ở các khoản thu ngoài học phí - thường gọi là "khoản thu tự nguyện" - với mức thu mỗi nơi một kiểu. Cấp quản lý ngành và chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng cố tình thu nhiều, thu sai. Hầu như năm nào cũng vậy, trước khi khai giảng năm học mới là Bộ GD-ĐT lại có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại các trường học trên địa bàn. Mặc dù bộ cảnh báo, nhiều trường "ôn nghèo, kể khổ" vì thiếu cái nọ, hụt cái kia mà không có tiền mua sắm, phụ huynh không muốn cũng phải… cố gắng "tự nguyện".

Vào đầu năm học, các bậc phụ huynh thường lo lắng về các khoản học phí, phụ phí phải đóng góp.
Ảnh: Bảo Kha


Năm học 2014-2015, "Đường dây nóng" tiếp nhận các thông tin về thu, chi của Bộ GD-ĐT được thiết lập. Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT cũng đã công bố danh bạ của toàn bộ cán bộ, chuyên viên thuộc sở, phòng GD-ĐT và các nhà trường. Thế nhưng, thực tế cho thấy phần lớn thông tin và bằng chứng về những khoản thu sai ở các trường mà cấp quản lý nhận được đều xuất phát từ báo chí.

Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề lạm thu tiền trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng thừa nhận: Có nhiều người, với tư cách công dân thì phản ứng, nhưng với tư cách phụ huynh thì lại tiếp tay cho việc nộp tiền. Điều lệ ban đại diện cha mẹ HS do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011 có điều khoản quy định rõ rằng phụ huynh có quyền từ chối các khoản ủng hộ nếu bản thân không muốn. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều phụ huynh biết rõ những khoản thu vô lý nhưng không dám không tự nguyện, một phần vì thấy ai cũng nộp, phần khác - có lẽ quan trọng hơn - là vì lo cho sự "an toàn" ở trường của con mình.

Thiếu chế tài đủ mạnh

Quyết định 51/2013/QĐ-UBND quy định về việc thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, do UBND TP Hà Nội ban hành, đã nêu rõ nguyên tắc xây dựng mức thu là phải dựa trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi và phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ HS trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận/huyện/thị xã hoặc Sở GD-ĐT theo phân cấp quản lý) trước khi ban hành. Quy trình 4 bước trong việc thu, sử dụng các khoản đóng góp cũng được ấn định với yêu cầu niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu ý kiến của phụ huynh và chỉ được vận động quyên góp khi được cấp quản lý chấp thuận. Thế nhưng, một số nơi đã bỏ qua, hoặc làm tắt quy trình để đạt được sự "tự nguyện". Khi bị phát hiện, hoặc là ban đại diện cha mẹ HS đứng ra trả lại các khoản thu sai, hoặc các bên tìm cách hợp lý hóa bằng cách xây dựng lại dự trù kinh phí tương ứng với số tiền đã thu.

Thực tế cho thấy, một trong những lý do cơ bản khiến cho “căn bệnh” lạm thu ngày càng dai dẳng, khó chữa là bởi thiếu chế tài xử lý mạnh đối với hành vi sai phạm. Hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện đã được ban hành tương đối đầy đủ và thường xuyên được nhắc lại. Năm nào các cấp quản lý cũng ra quân kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, chủ trương chung là kiên quyết, xử lý dứt điểm vi phạm, song hiệu quả chưa được như mong muốn.

Theo quy định, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm về các khoản thu - chi sai quy định trong nhà trường. Nhưng, như đã nhắc ở trên, khi bị tố giác thì hiệu trưởng thường chỉ bị nhắc nhở, phê bình, chỉ cần trả lại cho phụ huynh khoản thu sai là coi như xong chuyện. Có vị cán bộ quản lý ngành từng thốt lên rằng, dường như những sai phạm trong việc thu - chi của ngành giáo dục chỉ bị coi là "tham nhũng vặt", thế nên chưa từng có vị hiệu trưởng hoặc giáo viên nào bị kỷ luật với hình thức đủ sức răn đe.

Năm học trước, Hà Nội từng thí điểm việc xây dựng mô hình hội đồng giám sát của cộng đồng ở trường học tại 5 trường thuộc quận Hoàng Mai. Đây là sáng kiến được trao giải thưởng Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam năm 2013. Hội đồng gồm đại diện cha mẹ HS, các tổ chức hội khuyến học, phụ nữ, giáo chức… có nhiệm vụ giám sát việc thu, chi các khoản tiền do cha mẹ HS đóng góp, đồng thời có quyền yêu cầu nhà trường làm rõ nếu thấy "có vấn đề". Giải pháp này được kỳ vọng làm cho việc thu chi ở nhà trường hợp lý và minh bạch hơn, hạn chế được sự lạm quyền của người đứng đầu đơn vị. Tuy vậy, thực tế cho thấy việc ban hành đầy đủ quy định chỉ là một trong số yếu tố cần có, điều quan trọng là phải cương quyết xử lý đủ sức răn đe đối với các trường hợp lạm thu, có giải pháp phù hợp nhằm kêu gọi phụ huynh học sinh hợp tác chống lại "vấn nạn" này cũng như bảo vệ học sinh thuộc diện "không chịu tự nguyện".

Một số khoản nhà trường được phép thu:

- Phục vụ bán trú:
+ Chăm sóc bán trú: Không quá 150.000 đồng/HS/tháng
+ Trang thiết bị phục vụ bán trú: Không quá 150.000 đồng/HS/năm học với mầm non và không quá 100.000 đồng/HS/năm học với tiểu học, THCS.
- Học 2 buổi/ngày:
+ Tiểu học: Không quá 100.000 đồng/HS/tháng
+ THCS: Không quá 150.000 đồng/HS/tháng
- Học phẩm: Chỉ có ở cấp mầm non với mức không quá 150.000 đồng/HS/năm học
- Nước uống cho HS: Không quá 12.000 đồng/HS/tháng
- Các khoản thu về bảo hiểm y tế, dạy thêm, học thêm thực hiện theo quy định liên quan.
(Trích Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa văn bản quy định, thiếu chế tài đủ mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.