Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Đua số lượng, không quên chất lượng

Thống Nhất| 21/10/2014 06:34

(HNM) - Kế hoạch xây dựng trường chuẩn năm 2014 của Hà Nội đang ở chặng cuối với mục tiêu không chỉ hoàn thành mà còn vượt mức kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn của toàn thành phố, dần chạm đến mốc 50-55% số trường đạt chuẩn vào năm 2015 như Nghị quyết HĐND thành phố đặt ra.

Sẽ vượt kế hoạch năm 2014

Thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tính đến ngày 15-10-2014, toàn thành phố có 901 trường trong tổng số 2.047 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 44%. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã khảo sát tư vấn và kiểm tra thẩm định được 50 trường, chiếm 1/2 số trường theo kế hoạch thành phố giao, trong đó chỉ có 9 trường được kiểm tra thẩm định trong 6 tháng đầu năm. Lý giải nguyên nhân tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nửa đầu năm nay bị chậm, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết là do việc đầu tư mua sắm cơ sở vật chất và trang thiết bị của các trường trong lộ trình xây dựng chuẩn đều thực hiện trong dịp hè (có thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư; hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học…). Tuy nhiên, so sánh với tiến độ xây dựng cùng kỳ trong 3 năm qua thì tốc độ thực hiện 6 tháng đầu năm nay là nhanh nhất, 6 tháng cuối năm có số lượng chỉ tiêu phải hoàn thành thấp nhất, do vậy việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường chuẩn năm 2014 là khả thi. Thậm chí, ngoài 100 trường trong kế hoạch giao, Hà Nội còn đang tập trung đầu tư và có khả năng hoàn thành xây dựng thêm 10 trường đạt chuẩn, đạt 110% kế hoạch.

Phát huy vai trò của ngôi trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia góp phần phục vụ tốt cho dạy và học là nhiệm vụ hết sức cần thiết của ngành giáo dục Thủ đô. Ảnh: Bảo Kha



Để đạt được kết quả trên, ngoài việc tăng cường huy động nguồn lực đầu tư, thì trong công tác chỉ đạo, tổ chức xây dựng trường chuẩn, Hà Nội luôn bám sát nguyên tắc "5 rõ", gồm: Rõ địa chỉ, rõ mục tiêu, rõ lộ trình, rõ nguồn vốn đầu tư và rõ trách nhiệm. Chủ trương được lãnh đạo thành phố quán triệt đến cơ sở trong đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị là không dàn trải kết hợp với chuẩn hóa, kiên cố hóa và hiện đại hóa nhằm tăng hiệu quả sử dụng, bớt tốn kém. Bên cạnh giải pháp trước mắt là cho phép các trường học trong nội thành nâng tầng, ưu tiên mở rộng quỹ đất; hỗ trợ kinh phí cho các huyện vùng khó để xóa phòng học tạm, phòng học nhờ; phân lại tuyến tuyển sinh... Hà Nội cũng đang tập trung triển khai quy hoạch về phát triển mạng lưới và hệ thống GD-ĐT đến năm 2020, tầm nhìn 2030, góp phần hoàn thành "bức tranh" GD-ĐT Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.

Ba năm trở lại đây, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia đã tăng lên rõ rệt với mức bình quân là 118 trường/năm, trong khi giai đoạn 2009-2011 là 72 trường/năm. Còn 12 năm trước đó (từ 1997-2008), số trường được đầu tư xây dựng đạt chuẩn chỉ đạt 36 trường/năm.

- Cấp tiểu học hiện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất là 57%; tiếp đến là cấp THCS - 48%, cấp THPT - 31%, mầm non 30%.
- Sở GD-ĐT Hà Nội đang đề xuất UBND thành phố hỗ trợ kinh phí cho 6 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và hiện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất hiện nay, gồm: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai và Quốc Oai.

Coi trọng cả "lượng" và "chất"

Để đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND thành phố giao, ngoài việc đầu tư cho những đơn vị mới theo các tiêu chí để đạt chuẩn, đầu năm 2014, Hà Nội đã tổng rà soát để thẩm định lại các trường đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2008 trở về trước. Tại các cuộc họp giao ban kiểm điểm tiến độ hằng quý, lãnh đạo ngành và các quận, huyện, thị xã đều khẳng định quyết tâm không vì cố đạt mục tiêu mà bỏ quên chất lượng. Những trường không đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn hiện hành dứt khoát không được công nhận lại. Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, toàn thành phố có 434 trường thuộc diện này. Qua rà soát, thẩm định lại, có 284 trường đạt yêu cầu theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia gồm: Tổ chức nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị và công tác xã hội hóa giáo dục. Hiện đã có 89 trường được UBND thành phố ra quyết định công nhận lại, số còn lại đang được Sở GD-ĐT hoàn thiện hồ sơ, trình UBND thành phố xem xét từ nay tới cuối năm.

Lộ trình đối với 150 trường chưa đạt yêu cầu theo các tiêu chí trường chuẩn hiện nay cũng đã được xác định rõ. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm bổ sung tiêu chí còn thiếu cho số đơn vị này với tinh thần đầu tư tập trung và hiệu quả thực chất. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị không chỉ quan tâm huy động nguồn lực để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, mà còn cần lưu ý đến nhiệm vụ quan trọng không kém là duy trì, phát huy vai trò của ngôi trường đã được công nhận đạt chuẩn, góp phần phục vụ tốt cho dạy và học, nâng cao chất lượng GD-ĐT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Đua số lượng, không quên chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.