Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục là đội ngũ giáo viên

Hồng Hạnh| 20/11/2014 06:28

(HNM) - Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, đã xác định vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo.


Lý luận và thực tiễn đều cho thấy yếu tố người thầy có vị trí quan trọng, tác động trực tiếp và tích cực nhất đến chất lượng giáo dục. Sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ những người trực tiếp "thi công" đề án. Là người có nhiều nghiên cứu và cống hiến với ngành sư phạm, GS - Nhà giáo Nhân dân Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này nhân kỷ niệm 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.


GS - Nhà giáo Nhân dân Đinh Quang Báo.


- Xin chúc mừng ông vừa được phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo Nhân dân” năm 2014. Ông suy nghĩ như thế nào về vị thế của nhà giáo hiện nay?

- Từ bao đời nay, nhà giáo luôn có một vị thế đặc biệt quan trọng trong xã hội. Ông cha ta có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Câu nói ngắn gọn song đủ thấy vị trí, vai trò của người thầy giáo trong việc quyết định sự thành bại của mọi công việc, dù lớn hay nhỏ. Nói cách khác, câu tục ngữ nhấn mạnh vai trò quyết định của người thầy giáo đối với chất lượng giáo dục.

- Thưa ông, xã hội ngày càng phát triển, tri thức của nhân loại được tiếp cận ngày càng dễ dàng. Vậy “không thầy đố mày làm nên” còn nguyên nghĩa như trước không?

- Khi khoa học chưa phát triển, lượng và kênh thông tin khoa học hạn chế nên việc dạy chủ yếu là cung cấp thông tin thông qua truyền khẩu hay thuyết trình. Giáo viên (GV) là người cung cấp tri thức chủ yếu nên người học phụ thuộc chủ yếu vào GV. “Không thầy đố mày làm nên” khi đó được hiểu đơn giản vậy thôi.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trong khi thời gian học trong nhà trường của HS là hữu hạn thì tri thức khoa học vừa đổi mới, vừa tăng đột biến, như là một vô hạn, đòi hỏi mỗi HS phải biết tự học. Mục tiêu cơ bản của quá trình dạy học lúc này không đơn thuần là truyền thụ tri thức, mà là hình thành ở HS năng lực tự học, phương pháp tư duy, nói ngắn gọn là dạy HS cách tự học, biết tìm kiếm, lựa chọn giữa “biển” tri thức đó cái mình cần, cái bổ ích, biết cách vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. “Không thầy đố mày làm nên” rõ ràng có vai trò quyết định đến sự thành bại của mỗi công việc, thậm chí có ảnh hưởng đến cả cuộc đời mỗi con người.

- Có người cho rằng, sống trong “thế giới phẳng” như hiện nay, vị trí của người thầy không còn như xưa, ý kiến của ông thế nào?

- Công nghệ thông tin phát triển, tạo ra thế hệ HS thời đại @, muốn có thông tin chỉ cần bấm nút. Bấm nút là học bằng máy. Máy móc là thứ vô hồn, không thể tạo ra tương tác tâm lý như khi học với thầy. Và để tạo ra môi trường tâm lý trong dạy - học thì không ai thay thế được người thầy.

Như tôi vừa nhắc ở trên, người thầy ngày nay chủ yếu đóng vai trò là người dạy HS cách học, hình thành kỹ năng thu thập, xử lý thông tin để phát hiện, giải quyết vấn đề. Chức năng của người thầy không chỉ là cung cấp thông tin mà là tạo lập tình huống. Bài toán nhận thức được người thầy gia công sư phạm một cách công phu. Mà gia công sư phạm là một quá trình đòi hỏi sự tuân thủ các quy luật tâm lý, bảo đảm cho quá trình giáo dục đạt hiệu quả cao nhất, vì thế, không công cụ nào làm thay người thầy được.

- Để đạt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như đã đề ra, người thầy giáo có vai trò thế nào trong lộ trình thực hiện đề án?

- Bất kỳ sự đổi mới nào, dù nhỏ hay lớn thì yếu tố quyết định là đội ngũ người thầy. Nếu đội ngũ này không chuyển biến, không tích cực hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì mọi quá trình đổi mới đều không đạt hiệu quả mong muốn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đã xác định, trong nhiều yếu tố để đổi mới nền giáo dục, yếu tố quyết định sự thành công của đề án là đội ngũ GV.

Ở các nước phát triển, sự thành công của giáo dục bắt nguồn từ việc tạo dựng được môi trường để đội ngũ GV phát huy hết khả năng, sức sáng tạo. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tích cực trong việc cải tạo hệ thống trường sư phạm, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục tại các nhà trường và đòi hỏi GV phải chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận phương pháp dạy học hiện đại.

- Trước thực trạng ngại đổi mới của một bộ phận GV hiện nay, bản thân là thầy giáo tại trường sư phạm - thầy giáo của những người thầy, theo ông, điều đó có thể khắc phục bằng cách nào?

- Theo tôi, khi giáo dục đã là quốc sách hàng đầu thì việc đầu tư phát triển đội ngũ GV phải là quốc sách của quốc sách đó. Để khích lệ GV tích cực đổi mới, ngoài chính sách đãi ngộ xứng đáng về vật chất, tinh thần để họ có động lực làm việc, cống hiến, cần có nhiều giải pháp đồng bộ như đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là quản lý hoạt động dạy bằng các chế tài, trong đó quy định GV áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh. Thiết nghĩ, khi xây dựng luật GV nên có quy định này một cách chi tiết, cụ thể. Thay đổi hành vi của một cá nhân, một tập thể GV, cả đội ngũ GV là rất khó.

Thiết chế hành lang pháp lý cho việc đổi mới phương pháp dạy học được coi là giải pháp quản lý mang tính đột phá. Bước đầu, khi mới áp dụng, có thể còn gò bó, có tính cưỡng bức, nhưng sẽ dần trở thành ý thức tự giác, tiến tới thành thói quen của mỗi GV, của cả đội ngũ GV. Bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ sư phạm là tạo thế năng, xây dựng chế tài quản lý là tạo động năng cho hoạt động giáo dục của GV. Đây là hai yếu tố không thể tách rời và có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng của hoạt động giáo dục của GV, từ đó có tác động tích cực đến chất lượng đào tạo.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục là đội ngũ giáo viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.