Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chuẩn tiếng Anh chung cho học sinh

Châu Anh| 27/11/2014 06:38

(HNM) - Có rất nhiều ý kiến xung quanh việc dạy tiếng Anh cho học sinh tại Việt Nam sau khi cô gái trẻ Võ Thị Mỹ Linh (sinh năm 1989, người vừa thoát chết trong vụ lở tuyết tại dãy Himalaya - Nepal) gửi thư ngỏ tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ về việc học tiếng Anh của học sinh Nepal.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, ngày 26-11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Trịnh Ngọc Thạch (ĐBQH Đoàn Hà Nội) đã có những trao đổi với Báo Hànộimới về vấn đề này.

- Chia sẻ về việc học tiếng Anh ở Nepal, Võ Thị Mỹ Linh so sánh 5 năm học tiểu học mà học sinh Việt Nam chỉ được học quanh 3 câu "hello, how're you, where're you from", trong đó còn học đi học lại câu "where're you from"…Ông nhận xét gì?

- Chương trình học nói chung của Việt Nam từ trước đến nay vẫn bị chê là dạy "nặng", ví dụ các môn khoa học tự nhiên, văn học có nội dung học như "đánh đố". Nhiều người vẫn ví von: Dạy môn văn cho học sinh để thành nhà phê bình văn học, dạy toán thành nhà toán học!

Về chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh, đến lớp 5 mà vẫn where're you from là nhẹ, có vẻ không đúng tầm! Như vậy là có vấn đề về trình độ chung so với các nước xung quanh. Nhưng cũng liên quan đến dạy tiếng Anh tại Việt Nam có câu chuyện như thế này, có em học sinh thi tiếng Anh AOL đạt 7.5 nhưng về làm bài thi của trung tâm mình lại không làm được. Nói vậy để trở lại với ý trên tôi vừa nói, chúng ta quen với việc dạy cho học sinh kiểu đánh đố trong khi kiến thức phổ thông thông dụng lại dạy kém.

- Như vậy có nghĩa là phải đổi mới?

- Theo kế hoạch, ngày 28-11 tới, QH sẽ thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Có thể tóm tắt rằng, nghị quyết này đặt mục tiêu đưa chương trình dạy học của Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới, theo hướng hiện đại, cập nhật xu thế phát triển của thế giới. Do vậy, giáo trình ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cũng phải được bảo đảm để hạn chế khả năng "đuối" tiếng Anh của người Việt Nam.

- Việc giảng dạy môn tiếng Anh hiện nay không đơn giản, giữa thành phố và khu vực nông thôn còn khác nhau?

- Về việc dạy tiếng Anh có thể nói ngay tại Hà Nội cũng khác nhau chứ chưa nói đến giữa thành phố và nông thôn. Nhược điểm là chưa có chuẩn chung dẫn đến thành phố dạy kiểu thành phố, các khu vực khác dạy kiểu khác.

- Vậy giải pháp là gì thưa ông?

- Tôi nghĩ về bộ môn này, Bộ GD-ĐT cần phải có chuẩn đầu ra chung, ví dụ kiến thức lớp 5 phải đạt được cái gì, dù thành phố hay nông thôn phải như nhau. Nhưng ngoài ra phải có sách nâng cao dành riêng cho học sinh ở thành phố. Vừa rồi, tôi đi công tác một số tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, các em học sinh lớp 3, lớp 4 nói tiếng Việt còn chưa sõi, vậy nói tiếng Anh sẽ vô cùng khó. Và việc dạy ngoại ngữ tại khu vực này là vấn đề không đơn giản. Song vẫn phải có chuẩn tiếng Anh chung.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng có quy định để lại chương trình giáo dục với 20% "mềm" (để các địa phương bổ sung lịch sử, văn hóa, xã hội) còn lại chuẩn 80% "cứng" là như nhau và có chuẩn cho từng vùng miền khác nhau để không bị "nặng". Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này nhằm mục tiêu giải quyết được vấn đề đó.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chuẩn tiếng Anh chung cho học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.