Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chu đáo, nghiêm túc, vì quyền lợi học sinh

Thống Nhất| 04/03/2015 06:54

(HNM) - Chưa đầy một tuần sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia, ngày 3-3, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị phổ biến quy chế và gấp rút triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm 2015 với sự tham dự của Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục,

Dự kiến có hai loại cụm thi

Giải đáp mối băn khoăn chung của các nhà trường trong việc tổ chức cụm thi năm nay, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết so với các địa phương khác, việc tổ chức các cụm thi tại Hà Nội thuận lợi hơn, bởi tập trung nhiều trường ĐH lớn, có khả năng đảm đương trọng trách chủ trì, nhiều điểm trường có thể tổ chức cho khoảng 20 nghìn thí sinh (TS) dự thi. Qua khảo sát thực tế, tại Hà Nội có thể bố trí 8 cụm thi do trường ĐH chủ trì. Quyết định chính thức sẽ được Bộ GD-ĐT công bố vào giữa tháng 3. HS Hà Nội sẽ thi cùng với HS của một số tỉnh lân cận như Nam Định, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Tại những nơi khó khăn có thể thành lập cụm thi tại tỉnh hoặc ngay tại trường phổ thông.


Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc cần làm trước tiên là nâng cao nhận thức của thầy và trò toàn ngành về kỳ thi - khâu được coi là đột phá trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nguyên nhân là do mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức của mỗi thành viên, từ đó có ý thức, hành động nghiêm túc, chất lượng đối với phần việc được giao, góp phần vào sự thành công của kỳ thi. Yêu cầu đối với các nhà trường là từ nay đến trước ngày 10-3, 100% giáo viên THPT và THCS đều phải nắm vững quy chế về nội dung và thuộc nhiệm vụ. Hiệu trưởng phải giao nhiệm vụ cho từng giáo viên chủ nhiệm các lớp, yêu cầu dành riêng thời gian để giải đáp những thắc mắc của HS, chứ không chỉ phổ biến chung cho HS cả khối.

Liên quan đến khâu tổ chức cụm thi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định sẽ chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ kỳ thi. Chủ trương được quán triệt tới toàn bộ hiệu trưởng các trường THPT và lãnh đạo phòng GD-ĐT có mặt tại hội nghị là dù phục vụ tổ chức cho cụm thi do trường ĐH chủ trì hay do Sở GD-ĐT chủ trì cũng đều chung một tâm thế: Chu đáo, nghiêm túc và vì mục tiêu chung là bảo đảm quyền lợi cho người học. Đây là trọng trách chung của toàn bộ thành viên tham gia tổ chức kỳ thi. Vì vậy, việc đơn vị nào chủ trì được xác định không phải là vấn đề lớn, điều quan trọng là tạo thuận lợi nhất cho TS dự thi. Theo dự kiến, ngoài 8 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, Hà Nội sẽ thành lập cụm thi địa phương để dành cho TS chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, số lượng TS tối thiểu để tổ chức cụm thi này phải bảo đảm từ 2 phòng thi trở lên (theo quy định mỗi phòng thi tối đa 40 TS) để không gây tốn kém và phức tạp trong khâu tổ chức. Trường hợp ít TS thuộc diện này, Hà Nội sẽ cân nhắc đề xuất bố trí cho các em thi cùng với các TS thi tại các cụm thi trường ĐH.

Nhiều cơ hội trúng tuyển nhưng không chủ quan

Khẳng định chủ trương tạo thuận lợi nhất cho TS, không khiến TS bị "sốc" trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT dẫn chứng: Về cơ bản, Quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ vừa ban hành tương đồng với hai bản quy chế trước đây, Bộ GD-ĐT chỉ thay đổi cách xét tuyển, còn việc đăng ký dự thi, quy trình thu nhận hồ sơ, tổ chức thi… không khác nhiều so với trước.

Thời điểm này, theo ông Trần Văn Nghĩa, điểm quan trọng mà TS cần ghi nhớ là dù đến khoảng tháng 8 mới đăng ký xét tuyển ĐH nhưng ngay từ khi đăng ký dự thi, tức là trong tháng 4 tới, TS đã phải dự kiến được khối thi của mình. Ví dụ như TS dự kiến xét tuyển vào ngành khối A thì phải đăng ký thi môn toán, văn, ngoại ngữ (ba môn bắt buộc) và môn tự chọn là lý, hóa. Theo quy định thì mỗi TS được đăng ký tối đa 8 môn. Càng thi nhiều môn thì TS càng có nhiều cơ hội xét tuyển ĐH nhưng việc ôn tập chắc chắn sẽ không hiệu quả như khi các em chỉ tập trung vào một số môn. Đây là điều mà TS cần cân nhắc kỹ trong thời gian từ nay đến đầu tháng 4, khi bắt đầu thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường.

Trước một kỳ thi mới với mục đích kép, vấn đề quan trọng được các nhà trường đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo Bộ, Sở GD-ĐT là việc hướng dẫn dạy học, ôn tập cho HS ra sao để đạt hiệu quả nhất, đáp ứng với yêu cầu của kỳ thi, ông Trần Văn Nghĩa chính thức thông báo: Phạm vi đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Thời gian thi các môn giống như tại kỳ thi ĐH năm trước, trong đó các môn tự luận (toán, văn, sử, địa) thi 180 phút; các môn trắc nghiệm (lý, hóa, sinh) thi 90 phút. Riêng môn ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT hiện đang cân nhắc hình thức thi, dự kiến có thể kết hợp cả trắc nghiệm và tự luận. Quyết định cụ thể sẽ được công bố vào khoảng giữa tháng này. Nội dung đề thi ở mỗi môn đều gồm 2 nhóm câu hỏi: Cơ bản và nâng cao, được trộn trong mỗi đề thi. Đề thi năm nay cũng sẽ tiếp tục sử dụng câu hỏi mở (đối với các môn khoa học xã hội), vận dụng kiến thức liên môn, thực tế và kỹ năng thực hành (đối với các môn khoa học tự nhiên).

Từ những định hướng trên, theo ông Trần Văn Nghĩa, việc triển khai dạy học, ôn tập của các nhà trường đã khá rõ, trong đó nếu những HS chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp THPT thì tham khảo đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014; với HS có nguyện vọng tham gia xét tuyển ĐH thì tham khảo đề thi ĐH năm trước. Theo kế hoạch, hướng dẫn thực hiện quy chế thi, trong đó có những quy định cụ thể có liên quan sẽ được Bộ GD-ĐT ban hành vào giữa tháng 3-2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chu đáo, nghiêm túc, vì quyền lợi học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.