Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học phí cao đi kèm chính sách hỗ trợ

Quỳnh Phạm| 02/04/2015 04:19

(HNM) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số trường đại học (ĐH) lớn trong cả nước, giai đoạn 2015-2017. Theo đó, các trường được trao quyền tự quyết trong nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc định mức thu học phí cao tương đương với nhiều


Trường tự chủ được thu học phí cao

Đáng chú ý, những trường được nêu trong đề án đều thuộc diện "hot", có chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn và điểm đầu vào ở mức tương đối cao trong những năm vừa qua: Trường ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Tài chính - Marketing. Mục tiêu của đề án này là chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các trường, hướng tới mô hình trường ĐH đa ngành, đủ tiêu chí đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Chương trình đào tạo chất lượng cao theo đơn đặt hàng ngày càng được chú trọng. Ảnh: Bảo Lâm



Tiêu chí hội nhập quốc tế là một nội dung quan trọng trong đề án nói trên, được thể hiện qua các mục
tiêu cụ thể như yêu cầu "phát triển chương trình đào tạo theo chương trình của các trường ĐH có uy tín trên thế giới", "xây dựng hệ thống tổ chức và nhân sự theo mô hình các trường ĐH uy tín trên thế giới"... Đề án chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao và theo đơn đặt hàng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Với những điểm mới quan trọng được thể hiện trong đề án, các trường được quyền quyết định việc mở ngành, chuyên ngành trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, tổ chức liên kết đào tạo với các cơ sở trong và ngoài nước.

Về tài chính, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình tăng học phí ở mức cao và có biên độ lớn. Trường ĐH Hà Nội có mức học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ ĐH) tối đa trong năm học 2014-2015 là 7,8 triệu đồng/năm, tới năm học 2015-2016 là 12 triệu đồng, năm học 2016-2017 là 14 triệu đồng. Với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nếu như trong năm học 2014-2015 mức thu tối đa là 9,5 triệu đồng/sinh viên/năm thì sang năm học 2015-2016, mức thu tăng lên 11,5 triệu đồng và đến năm học 2016-2017 là 13,5 triệu đồng. Trường ĐH Tài chính - Marketing thu học phí 14,5 triệu đồng cho năm học 2015-2016 và 16,5 triệu đồng cho năm học 2016-2017.

Các trường nói trên có trách nhiệm công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của trường. Mức trần học phí đối với trình độ tiến sĩ là 2,5 lần, thạc sĩ là 1,5 lần mức học phí bình quân tối đa. Học phí của chương trình đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.

Tạo điều kiện cho sinh viên nghèo, đối tượng chính sách

Mức học phí được phê duyệt nói trên cao xấp xỉ nhóm các trường ĐH ngoài công lập có học phí cao nhất hiện nay, như Trường ĐH Thăng Long, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Lạc Hồng, ĐH Văn Hiến... Mức này chỉ thấp hơn một số trường như ĐH FPT, ĐH Hoa Sen và các trường có yếu tố nước ngoài khác. Nhóm các trường ngoài công lập còn lại duy trì học phí ở mức 6-7 triệu/năm. Ngoài ba trường đã nêu ở trên (ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Tài chính - Marketing), Trường ĐH Ngoại thương đang chờ Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động. Theo đó, mức thu học phí mới của trường thậm chí có thể cao hơn cả ba trường nêu trên, dự kiến cho năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm, các mức tiếp theo trong các năm sau đó là 16 triệu và 17,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, song song với mức học phí cao, để bảo đảm quyền lợi cho sinh viên, đề án thí điểm đổi mới cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo của các trường. Về học phí, đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm đề án có hiệu lực thi hành, trường chỉ thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% so với năm trước. Các trường hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của trường với mức học phí được miễn, giảm theo quy định đối với các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo kể từ khóa tuyển sinh sau thời điểm đề án có hiệu lực. Ngoài các đối tượng được miễn, giảm học phí, trường xây dựng, thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập dành cho sinh viên đạt thành tích cao và sinh viên là đối tượng chính sách.

Hiện nay, để hỗ trợ sinh viên, nhiều trường lập quỹ học bổng khuyến học và định ra chế độ miễn giảm học phí đối với sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, học sinh, sinh viên có thể làm thủ tục vay vốn của ngân hàng để học tập với lãi suất thấp, 0,65%/tháng, mức vốn vay tối đa là 1,1 triệu đồng/tháng. Theo Nghị định 74 của Chính phủ, kể từ năm học 2013-2014 sẽ có thêm Ba đối tượng được miễn học phí gồm: Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học phí cao đi kèm chính sách hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.