Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo viên là yếu tố "gốc"

Thống Nhất| 07/05/2015 06:39

(HNM) - Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa phê duyệt đặt ra nhiều cải cách trong cách dạy, cách học, như tăng cường tính tương tác, dạy học tích hợp, phân hóa, phát triển năng lực cá nhân…

Giáo viên cần áp dụng phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế. Ảnh: Bá Hoạt



Trò thảnh thơi, thầy vất vả

Theo đề án đã được phê duyệt, CT-SGK giáo dục phổ thông sẽ chính thức được triển khai trên toàn quốc từ năm học 2018-2019 theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT. Mục tiêu của việc xây dựng CT-SGK lần này là coi trọng dạy người với dạy chữ; rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; lấy học sinh (HS) làm trung tâm, phát huy tính chủ động, khả năng tự học của HS; tăng cường tính tương tác trong dạy và học... Ngoài ra, CT-SGK mới cũng được xây dựng phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó giáo dục phổ thông được phân thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Về định hướng dạy học ở hai giai đoạn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ở giai đoạn đầu, gồm 9 năm ở cấp tiểu học và THCS, các môn học như lịch sử, địa lý… sẽ được rút ngắn lại theo hướng tích hợp vào môn khoa học xã hội. Những kiến thức quá khó hoặc chưa cần thiết đối với HS trong CT-SGK mới sẽ được lược bỏ. HS có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những nội dung kiến thức mang "hơi thở" cuộc sống. Ở giai đoạn hai là giáo dục định hướng nghề nghiệp với 3 năm cấp THPT, số môn học sẽ giảm, thay vào đó, HS được học theo hình thức dự án, chuyên đề tự chọn để định hướng nghề nghiệp, sớm tiếp cận với yêu cầu đào tạo nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng, sau 3 năm nữa, khi triển khai CT- SGK giáo dục phổ thông, nội dung và cách học của HS sẽ có nhiều thay đổi theo hướng bớt áp lực về kiến thức, song điều đó lại đi cùng với những đòi hỏi mới khá nặng đối với đội ngũ giáo viên (GV). Với những định hướng mới của CT-SGK giáo dục phổ thông, nhiệm vụ của người thầy sẽ không chỉ đơn thuần là truyền dạy kiến thức, mà là người tổ chức các hoạt động để HS chủ động tiếp cận kiến thức, hình thành kỹ năng phục vụ cuộc sống. Phương pháp, nội dung dạy học cũng không chỉ ở trên lớp, với các nội dung trong SGK, mà là dạy học theo dự án, các hoạt động để HS trải nghiệm. Việc đánh giá HS cũng sẽ được điều chỉnh nhằm đạt chất lượng thực chất hơn thông qua các hoạt động trải nghiệm, kết quả sản phẩm nghiên cứu, việc vận dụng kiến thức vào thực tế… chứ không chỉ là bài kiểm tra lý thuyết.

Đổi mới từ người dạy

Để triển khai hiệu quả CT-SGK giáo dục phổ thông, đề án đã xác định phải quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV). Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhất, có tác động tích cực nhất đến chất lượng triển khai CT-SGK giáo dục phổ thông và chất lượng giáo dục giai đoạn mới. Theo lộ trình, việc tập huấn, bồi dưỡng GV thực hiện CT-SGK mới đối với lớp 1, lớp 6 và lớp 10 sẽ được Bộ GD-ĐT triển khai từ tháng 7-2016 đến tháng 6-2018 nhằm kịp thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước thời điểm khai giảng năm học 2018-2019, năm học đầu tiên áp dụng CT-SGK mới. Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, nếu được tập huấn kỹ, khoảng 80% GV phổ thông hiện nay có thể đáp ứng được với yêu cầu của CT-SGK mới.

Dù vậy, không ít các nhà quản lý giáo dục vẫn lo lắng về khả năng đáp ứng yêu cầu CT-SGK mới của đội ngũ GV hiện nay. Đó là tình trạng "xôi đỗ" về chất lượng đội ngũ GV ở các vùng, miền do những khác biệt nhất định về điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội và chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Theo đánh giá chung ở các nhà trường, nhiều GV hiện nay vẫn còn vương vấn cách dạy cũ, trong khi đổi mới phương pháp dạy học thực sự đang là yêu cầu cấp bách của ngành giáo dục nhằm từng bước hình thành năng lực, kỹ năng, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của HS. Thực tế nhiều năm qua, đã có nhiều mô hình dạy học mới được nhân rộng như phương pháp bàn tay nặn bột, trường học thân thiện, dạy học theo chủ đề tích hợp… là minh chứng rõ nét cho thấy tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học đối với chất lượng giáo dục.

Một trong những lý do làm chậm tiến trình này được xác định là chưa có chính sách, động lực để GV tích cực tham gia vào quá trình đổi mới. Tại các nhà trường vẫn còn tình trạng ai đổi mới cứ đổi mới, người không áp dụng cũng chẳng sao. Theo Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì việc đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ GV phải được coi là quốc sách của quốc sách đó. Vì đội ngũ GV chính là yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Để khích lệ GV tích cực đổi mới, bên cạnh những chính sách đãi ngộ xứng đáng về vật chất, tinh thần để đội ngũ này có thêm động lực cống hiến, thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ như đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn… Một điều quan trọng khác là cơ quan quản lý cần nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý hoạt động dạy học với những chế tài cụ thể, nghiêm khắc quy định về việc GV phải áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế. Đây là yếu tố "gốc", làm nền tảng cho sự thành công của đổi mới CT-SGK.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên là yếu tố "gốc"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.