Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới gắn với tin học hóa và đơn giản hóa quy trình

Khánh Vũ| 30/05/2015 06:35

(HNM) - Hôm nay (30-5) là ngày thứ nhất diễn ra đợt thi đánh giá năng lực đầu tiên mà Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức cho thí sinh thi vào các trường, khoa thành viên.



Với nhiều điểm mới mang tính đột phá trong công tác tổ chức thi và đánh giá cùng lượng thí sinh đăng ký lên tới hơn 45 nghìn người, kỳ thi thu hút sự chú ý của dư luận. Nhân dịp này, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi với báo chí về những nội dung được nhiều người quan tâm.

- Ông có thể cho biết đâu là điểm mới quan trọng nhất của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN?

- Linh hồn đổi mới của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN chính là đổi mới về triết lý kiểm tra đánh giá, chuyển sang đánh giá năng lực tổng hợp thay cho việc thiên về kiểm tra kiến thức. Sự đổi mới này còn gắn với việc tin học hóa triệt để, giản tiện hóa toàn diện quy trình. Các khâu tuyển sinh hầu như đều thực hiện qua mạng như đăng ký dự thi, thi, báo kết quả, tổ hợp đề, xây dựng đề thi… Thí sinh thi xong có thể biết ngay kết quả trên máy tính. Mục tiêu của chúng tôi là đổi mới kiểm tra, đánh giá phải phù hợp với đổi mới công nghệ thông tin và đổi mới tài chính.

Đội tình nguyện viên đã có mặt tại các cụm thi tại đại học Quốc gia để tư vấn tuyển sinh và tìm nhà trọ hỗ trợ thí sinh. Ảnh: Zing


- Với việc làm bài thi trên máy tính, nhà trường làm thế nào để bảo đảm không có sự cố ảnh hưởng tới quá trình làm bài cũng như tâm lý thi của thí sinh?

- Chúng tôi đã kiểm tra và chuẩn bị những máy tính tốt nhất để phục vụ cho kỳ thi. Tuy nhiên cũng có phương án dự phòng, mỗi phòng thi có 5-10% máy tính dự trữ trong quá trình làm bài của thí sinh. Nếu máy tính có sự cố thì thí sinh có thể chuyển sang máy dự phòng; toàn bộ dữ liệu được giữ nguyên trong máy chủ, thời gian thi được tính tiếp tục cho thí sinh. Nếu thời gian gián đoạn máy tính quá 10 phút thì thí sinh chuyển sang ca thi tiếp theo hoặc buổi thi dự trữ. Trước đó, ĐH QGHN đã tiến hành thử nghiệm thi theo hình thức này thành công và có thêm nhiều kinh nghiệm quý cho đợt thi chính thức. Chuẩn bị cho kỳ thi với đặc thù mới năm nay, ĐH QGHN đã tổ chức nhiều đợt tập huấn khác nhau cho cán bộ coi thi, đặc biệt là các cán bộ phụ trách phần mềm, phần cứng, sinh viên tình nguyện.

- Các thí sinh vẫn còn đang khá bỡ ngỡ với đề thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN, ông có thể thông tin gì thêm về dạng đề thi này?

- Tôi xin nhấn mạnh là cấu trúc của đề thi đánh giá năng lực hoàn toàn tương thích cấu trúc đề thi mẫu đã công bố trên trang web của ĐH QGHN. Bộ đề thi chính thức sẽ theo đúng công thức của đề thi mẫu. Chúng tôi có khoảng 4.000 câu hỏi được đưa vào cơ sở dữ liệu nguồn. Mỗi thí sinh có một đề riêng tổ hợp từ nguồn đó. Còn việc tổ hợp như thế nào, có bao nhiêu đề thi thì đó là vấn đề bí mật.

- Với lượng thí sinh đăng ký là hơn 45 nghìn người, ông dự đoán thế nào về tỷ lệ dự thi? Ngoài ra, ông có sự so sánh gì về kinh phí tổ chức thi so với kỳ thi "3 chung" trước kia?

- Trong kỳ thi tuyển sinh theo phương thức "3 chung", tỷ lệ dự thi dao động trong khoảng 70-80% và khác nhau giữa các khối thi. Tuy nhiên, năm nay, do hình thức thi này mới mẻ, hấp dẫn hơn nên có thể nhiều thí sinh muốn thử sức, tôi dự đoán tỷ lệ dự thi sẽ cao hơn mọi năm. Về chi phí cho kỳ thi, hiện vẫn còn nhiều công việc ở phía trước nên tôi chưa thể đưa ra con số chính xác. Tuy nhiên, chắc chắn là lệ phí thi 100 nghìn đồng/ thí sinh là không đủ để trang trải. Quá trình chuẩn bị về con người, máy móc và các điều kiện khác cho kỳ thi cần chi phí lớn hơn. Chúng tôi dự định sẽ đề xuất Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính điều chỉnh tăng mức lệ phí trong năm sau. Trong khi đó, chúng tôi tin rằng thí sinh và gia đình sẽ giảm được chi phí so với mọi năm vì chỉ phải thi 1 buổi, 1 bài thi duy nhất, lại được ĐH QGHN hỗ trợ chỗ ở.

- Hiện có trường ĐH, CĐ nào ngỏ ý sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN để tuyển sinh hay không, thưa ông?

- Có nhiều trường đã bày tỏ mong muốn chia sẻ kết quả của kỳ thi nhưng đều chưa có ý kiến chính thức. ĐH QGHN được Bộ GD-ĐT giao thí điểm thực hiện kỳ thi này, cố gắng làm tốt hết sức mình, sẵn sàng chia sẻ và mong muốn triết lý đổi mới, công nghệ mới trong kiểm tra, đánh giá của mình được lan tỏa rộng hơn. Việc sử dụng kết quả thi đến đâu là do các cơ quan, ban, ngành quyết định.

Thí sinh có thể truy cập website của Trung tâm Khảo thí ĐH QGHN (http://cet.vnu.edu.vn/) để xem và in các thông tin dự thi của mình trong trường hợp không nhận được giấy báo dự thi bản giấy. Bản in thông tin dự thi từ website có giá trị tương đương giấy báo dự thi được gửi qua đường bưu điện.

Ban Quản lý ký túc xá Mỹ Đình dành hơn 300 phòng ở, tương đương 1.000 chỗ ở cho thí sinh và người nhà đến dự thi vào ĐH QGHN. Ưu tiên chỗ ở cho những học sinh là con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, người có công với cách mạng và đối tượng thuộc vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới gắn với tin học hóa và đơn giản hóa quy trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.