Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư xây dựng ở các trường đại học công lập: Nhiều sai phạm

Thanh Tàu| 03/07/2015 07:01

(HNM) - Vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận về sai phạm của nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước. Đáng chú ý, sai phạm trong đầu tư xây dựng chủ yếu xảy ra ở các trường... công lập.



Lãng phí vốn nhà nước

Đây là sai phạm... phổ biến nhất của các trường. Cụ thể, theo Kết luận thanh tra số 879/TB-TTCP ngày 16-4-2015 của TTCP, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh được giao làm chủ đầu tư dự án cải tạo mở rộng diện tích làm việc tại cơ sở A. TTCP phát hiện một số công việc tư vấn thiết kế tính khối lượng không chính xác dẫn đến giá trị gói thầu lớn hơn giá trị gói thầu kiểm tra với số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Nhà trường còn ký hợp đồng thi công với Công ty Minh Phước, nhưng không có nội dung về tiền bảo hành công trình. Từ đó dẫn tới khi quyết toán công trình, trường không yêu cầu công ty này nộp tiền hay thư bảo lãnh tiền bảo hành công trình, vi phạm Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình. Tại gói thầu cải tạo sửa chữa phòng làm việc, cũng bởi chủ đầu tư xác định khối lượng công việc chưa chính xác dẫn tới nhiều hạng mục đơn vị trúng thầu không thi công nhưng vẫn được phải... trả trên 458 triệu đồng.

Tương tự, theo Kết luận thanh tra số 408/TB-TTCP ngày 4-3-2015 của TTCP, tại Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, việc quyết toán gói thầu thi công hạng mục hạ nền giao thông lớn hơn giá trị thực tế gần 230 triệu đồng. Tại gói thầu thi công hạng mục san nền, tư vấn thiết kế lập dự toán phát sinh chưa chính xác về khối lượng, giá đất, dẫn tới giá trị khối lượng thanh toán cao gần 1,6 tỷ đồng. Còn gói thầu thi công hạng mục giao thông và thoát nước mưa, nhà trường đã thanh toán không đúng thực tế số tiền lên đến 1,2 tỷ đồng. Đó là chưa nói hàng loạt sai phạm khác tại trường này như lập dự toán xây dựng, áp dụng sai mã định mức, đơn giá xây dựng không đúng làm tăng chi phí xây dựng, gây lãng phí vốn của Nhà nước với số tiền lên đến gần 5,9 tỷ đồng.

Còn tại Trường ĐH Huế, TTCP phát hiện hàng loạt sai phạm như tính khối lượng thi công chưa chính xác, áp dụng đơn giá định mức chưa đúng thực tế... dẫn tới giá trị quyết toán cao hơn giá trị thực tế gần nửa tỷ đồng...

So với sai phạm trên, hành vi này xảy ra ở Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh đặc biệt nghiêm trọng khiến TTCP buộc phải kiến nghị Bộ Công an vào cuộc. Cụ thể, tại hạng mục xây dựng nhà xe số 3 (thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình ĐH Mở TP Hồ Chí Minh), Công ty CP Xây dựng địa ốc Tân Kỷ trúng thầu thi công. Tuy nhiên, sau đó công ty này lại bán gói thầu dưới dạng hợp đồng giao khoán cho Công ty THHH Xây dựng Sông Mã thi công nhằm "hưởng" số tiền chênh lệch gần 1,5 tỷ đồng.

Chưa hết, TTCP còn phát hiện nội dung tại cuốn Sổ tay an toàn lao động của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng COTEC (đơn vị trúng thầu thi công tường vây, cọc nhồi và tầng hầm công trình Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh) lại giống hệt Sổ tay an toàn lao động của Công ty CP Xây dựng địa ốc Tân Kỷ (đơn vị trúng thầu hạng mục xây dựng nhà xe). COTEC giải thích rằng lỗi do... nhân viên đấu thầu sao chép nhầm lẫn.. Tuy nhiên, TTCP khẳng định, dấu hiệu này cho thấy đã có sự thông đồng giữa hai đơn vị trên trong quá trình đấu thầu gói thầu thi công tường vây, cọc nhồi.

Làm sao để không thất thoát?

Liên quan vấn đề quản lý chặt chẽ hơn nữa "của công" trước hiện tượng hàng loạt trường công lập có sai phạm như trên, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Văn Thư - Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết phải điều chỉnh lại một số bất hợp lý ngay trừ khâu đấu thầu. Theo ông Thư, việc thông thầu, bán thầu vẫn xảy ra bởi luật không cấm nhà thầu chính có nhà thầu phụ và chủ đầu tư hầu như chỉ căn cứ vào hồ sơ dự thầu chứ khó có thể đi thẩm định năng lực của từng nhà thầu một, trừ trường hợp nhà thầu đã từng có "tiền án, tiền sự". Mặt khác, theo quy định về đấu thầu cũ thì tiêu chí quan trọng nhất để chọn nhà thầu là giá bỏ thầu nên các nhà thầu thường bỏ giá thấp, sau đó tính gian khối lượng hoặc yêu cầu trả cho khối lượng phát sinh với nhiều lý do. Khi đã trót hạ bút ký, rơi vào tình thế trên, chủ đầu tư ở vào thế "cưỡi lên lưng hổ".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, sai phạm trong quản lý, đầu tư xây dựng ở các trường đại học trong thời gian qua có thể xuất phát từ việc các cơ quan nhà nước buông lỏng công tác quản lý, thanh tra, giám sát các đơn vị này. Do đó, các đơn vị sự nghiệp công lập mới lợi dụng sơ hở, thực hiện hành vi vi phạm. Để quản lý hoạt động đầu tư xây dựng trong các trường ĐH, cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác giám sát và phối hợp với nhau khi thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chế tài đối với hành vi vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng nói chung và trong việc quản lý việc sử dụng ngân sách nói riêng theo hướng nặng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư xây dựng ở các trường đại học công lập: Nhiều sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.