Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau thi môn lịch sử, phao thi vứt bỏ ở cổng trường

T.Hoa| 04/07/2015 11:49

(HNMO) - Tại diểm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội, bên ngoài cổng trường (trên phố Trần Đại Nghĩa) có khá nhiều phao thi vứt rải rác. Một nhóm nam sinh vừa ngồi uống nước vừa lôi từ trong túi quần ra một xấp phao  để kiểm tra lại kiến thức, sau đó kín đáo bỏ  vào gầm ghế ngồi.

Các thí sinh hoàn thành bài sớm trong tâm trạng vui vẻ tại ĐH Bách Khoa Hà Nội


Ngày thi cuối cùng diễn ra cũng là lúc thời tiết Hà Nội có phần dịu hơn sau những ngày nắng nóng kỷ lục. Hầu hết các thí sinh tập trung tại các cụm thi chính như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách Khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Thuỷ lợi... mà không trải ra tại các cụm thi lẻ nữa. Do đó, không khí đông đúc, cảnh phụ huynh đứng ngồi kín tại khắp các trường học đã không còn nữa.

Đề thi lịch sử gồm 4 câu, trong đó câu 1 yêu cầu thí sinh tóm tắt về sự phát triển của kinh tế Nhật Bản từ năm 1952 đến 1973 và nêu nguyên nhân của sự phát triển đó.

Câu 2: Căn cứ trên bảng số liệu cho sẵn, thí sinh nêu những công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam và kể tên những sự kiện quan trọng chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc bắt đầu thiết lập mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Câu 3 được chia thành 2 ý. Ý 1 yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sự khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" được nêu trong Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà . "Bằng những sự kiện chọn lọc thuộc một trong các thời kỳ lịch sử dân tộc (1945-1954; 1954-1975 hoặc hiện nay) hãy làm sáng tỏ quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ vững quyền tự do và độc lập" - ý 2 của câu hỏi nêu

Đề thi môn Lịch sử



Câu cuối cùng của đề thi với ý 1 hỏi về Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương và ý 2 yêu cầu thí sinh lựa chọn một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay để bày tỏ suy nghĩ thanh niên Việt Nam cần làm gì để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó.

Với đề thi này, nhiều thí sinh dự thi tại cụm thi số 2, ĐH Kinh tế Quốc dân cũng khá hài lòng với tỷ lệ các câu hỏi "mở" chiếm tới quá nửa bài thi. "Đề thi không quá khó, không có bất cứ câu hỏi nào mang tính đánh đố nhưng để đạt được điểm cao, đòi hỏi thí sinh phải biết đổi mới phương pháp học, biết suy luận từ kiến thức thầy cô giảng trên lớp để rút ra quan điểm cá nhân. Ngoài ra, trong bài viết cũng phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp" - Em Huỳnh Long (Hà Nam) chia sẻ.

Tâm trạng vui vẻ sau khi hoàn thành môn thi cuối


Tại cụm thi số 1, trường ĐH Bách Khoa, Hà Nội gần đó, có khá nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi trong 2/3 thời gian làm bài. Những thí sinh ra khỏi phòng đầu tiên đều nán lại phía ngoài chờ người nhà đến đón trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ.

Thí sinh Bùi Trung Hiếu (Trương Định, Hà Nội) cho biết em đăng ký dự thi khối C để xét tuyển vào trường công an. Trước kỳ thi, em chỉ tập trung dành 1 tháng ôn tập cho môn Sử. Bài thi của thí sinh này viết trọn trong 6 mặt giấy với chủ yếu là phần liên hệ bản thân và thực tế.

Cho rằng đề thi dù dài nhưng khá nhẹ nhàng, không có các câu hỏi bắt thí sinh phải ghi nhớ máy móc hoặc học thuộc lòng, thí sinh Hoàng Thuý Oanh (Nam Định) cho rằng, với các thí sinh yêu thích môn học này, chịu khó đọc sách, cập nhật các thông tin thời sự là sẽ hoàn thành tốt bài thi.

Cũng theo ghi nhận của HNMO tại điểm thi này, phía bên ngoài cổng trường (trên phố Trần Đại Nghĩa) có khá nhiều phao thi vứt rải rác. Một nhóm nam sinh vừa ngồi uống nước vừa lôi từ trong túi quần ra một xấp phao thi để kiểm tra lại kiến thức, sau đó kín đáo vứt vào gầm ghế ngồi.







Phao thi vứt rải rác bên ngoài cổng trường ĐH Bách Khoa


Chiều nay, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ diễn ra với môn thi cuối cùng là Sinh học trong thời gian 90 phút.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau thi môn lịch sử, phao thi vứt bỏ ở cổng trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.