Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo dựng niềm tin, đổi mới giáo dục

Thống Nhất| 30/07/2015 06:41

(HNM) - Dù mới triển khai được ba năm, song mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đã góp phần tạo nên nhiều chuyển biến ở các nhà trường, tạo dựng được niềm tin đối với một mô hình còn khá mới mẻ.

Khởi đầu nan…

Tại một buổi sinh hoạt chuyên đề về mô hình trường học mới, có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển và nhiều chuyên gia về lĩnh vực giáo dục tại Hà Nội, những chia sẻ của ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ đã tạo ấn tượng mạnh với đồng nghiệp. Đây không chỉ là lời chia sẻ giữa những đồng nghiệp, mà thật sự còn là kinh nghiệm quý nhằm triển khai có chất lượng mô hình trường học mới trên địa bàn thành phố.

Hội thảo mô hình trường học mới Việt Nam tại Trường Tiểu học Hợp Thanh A (Mỹ Đức). Ảnh: Văn Phú



Theo ông Lê Hồng Vũ, với việc chọn thí điểm ở hai trường khó khăn nhất là An Dương và Tứ Liên vào năm học 2013-2014, quận Tây Hồ hy vọng sẽ tạo được sự đột phá trong cách tiếp cận những vấn đề mới của giáo dục nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện về giáo dục. Thực tiễn triển khai cho thấy, có rất nhiều thách thức phải vượt qua, trong đó có giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cách thức tổ chức quản lý, dạy học… Nhưng có một khó khăn ít ngờ tới, đó là từ phía phụ huynh. Phụ huynh của một trong hai trường thí điểm đồng loạt kiến nghị chuyển con sang học lớp khác, không học lớp VNEN, lý do cơ bản là chưa tin tưởng. Hai trường này còn có một điểm chung là rất khó khăn về cơ sở vật chất, còn phải đi học nhờ. 1,5 tỷ đồng được trích từ ngân sách quận để hỗ trợ các trường bồi dưỡng giáo viên, cung cấp toàn bộ sách giáo khoa cho HS các lớp… Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội, trong đó có phụ huynh HS đối với mô hình trường học mới Việt Nam, đặc biệt là những ưu điểm nổi trội của mô hình này là tạo lập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho HS được đặc biệt coi trọng. Cùng với đó, lãnh đạo phòng GD-ĐT quận đã mời lãnh đạo Sở GD-ĐT tham dự, dành nhiều thời gian lắng nghe, chia sẻ và giải đáp kịp thời, thấu đáo, có trách nhiệm với những băn khoăn, cấn cá của phụ huynh. Các phụ huynh đã tin tưởng vào kết quả của mô hình nên yên tâm gửi con theo học tại các lớp VNEN.

Đến nay, mô hình VNEN đã có mặt tại 6/8 trường tiểu học của Tây Hồ. Tính trên phạm vi toàn thành phố vào năm học 2014-2015, có 58 trường tiểu học thuộc 15 quận, huyện triển khai mô hình VNEN.

Chuyển biến tích cực

Từ những chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học tại các đơn vị đã triển khai, trong đó có sự đồng thuận từ phía phụ huynh HS, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quyết định nhân rộng mô hình trường học mới Việt Nam ở 100% quận, huyện, thị xã từ năm học 2015-2016. Đề cập đến chủ trương này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Sau 3 năm thực hiện, mô hình VNEN đã được nhà trường, giáo viên và nhất là cha mẹ HS đánh giá cao với những ưu điểm và tính khả thi, cần thiết đối với yêu cầu giáo dục hiện đại. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội tự tin, quyết định nhân rộng chủ trương thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam tại tất cả quận, huyện, thị xã từ năm học mới. Tùy theo điều kiện địa phương, các nhà trường có thể lựa chọn áp dụng từng phần của mô hình VNEN hoặc toàn bộ mô hình VNEN.

Không chỉ phát triển mạnh tại những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, mô hình trường học mới Việt Nam còn phát huy ưu thế tại nhiều địa bàn khó khăn. Tại những địa phương thuộc vùng 1, đa phần là địa bàn miền núi, điều kiện sống của người dân còn thiếu thốn, hầu hết HS là người dân tộc, vốn tiếng Việt ít, song với sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo địa phương, của ngành, mô hình VNEN đã đem đến bầu không khí mới cho các nhà trường, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc góp sức cải thiện chất lượng giáo dục. Tính đến hết năm học 2014-2015, Yên Bái có 14 trường tiểu học với hơn 4 nghìn HS tham gia mô hình VNEN; Lào Cai có 36 trường; Sơn La có 77 trường; Tuyên Quang có 19 trường, Bắc Kạn có 10 trường… Ở vùng 6 cũng có nhiều địa phương tích cực triển khai VNEN, trong đó, Long An triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học An Khương Thới (huyện Châu Thành) từ năm 2012-2013, đến năm học 2014-2015 đã triển khai nhân rộng tại 35 trường. Tỉnh An Giang có 14 trường, Bạc Liêu có 12 trường, Cà Mau có 14 trường… Mô hình trường học mới Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn tích cực.

Báo cáo tổng kết năm học 2014-2015 của các địa phương có chung nhận định: Mô hình trường học mới VNEN đã huy động sự quan tâm tích cực của nhiều lực lượng trong việc hỗ trợ, cải thiện chất lượng giáo dục. Việc triển khai VNEN đã tạo ra những chuyển biến đáng kể trong hoạt động quản lý và dạy học tại các nhà trường; trong đó có sự thay đổi tích cực của giáo viên trong phương pháp dạy học. Cách thức dạy học hiện đại với việc tổ chức hướng dẫn cho HS tự học, tự nghiên cứu, làm chủ quá trình nhận thức đã tạo lập cho HS những thay đổi tích cực, giúp HS chủ động, sáng tạo và tự tin hơn để vận dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TƯ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng niềm tin, đổi mới giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.