Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng: Làm sao để giảm rủi ro?

Khánh Vũ| 04/08/2015 06:58

(HNM) - Từ ngày 1 đến 20-8 là khoảng thời gian thí sinh tiến hành đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ với nguyện vọng 1. Để tránh bỡ ngỡ cho thí sinh trước quyết định quan trọng này, Bộ GD-ĐT cũng như các chuyên gia tuyển sinh tiếp tục đưa ra hướng dẫn, lời khuyên thiết thực dành cho thí sinh.

Thí sinh cần ghi rõ ngành đăng ký xét tuyển và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển trong phiếu đăng ký xét tuyển. Ảnh: Đinh Thanh



Có thể xét tuyển đồng thời bằng hai cách

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, điều đáng mừng với các trường là số thí sinh "ảo" năm nay sẽ giảm đáng kể. Với mức sàn 15 điểm, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp đạt ngưỡng. So với chỉ tiêu tuyển sinh đại học, số thí sinh này nhiều gấp 152 lần. Một thí sinh có thể có nhiều tổ hợp nhưng chỉ có một tổ hợp tối ưu nhất. Với mức ngưỡng tối thiểu 15, còn khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường ĐH. Tuy nhiên, trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ toàn quốc, có tới 150 trường dành chỉ tiêu để xét tuyển qua học bạ. Theo quy định, những thí sinh thi THPT quốc gia chỉ với mục đích tốt nghiệp hoặc không đạt mức sàn, sẽ đứng ngoài cuộc xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, song vẫn có cơ hội vào học ĐH, CĐ bằng kết quả học tập thể hiện trên học bạ. Đáng lưu ý, việc xét tuyển bằng học bạ và xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia hoàn toàn độc lập với nhau. Thí sinh có quyền đăng ký xét tuyển bằng học bạ ở trường này và dùng kết quả thi để xét tuyển đồng thời ở một trường khác. Thí sinh cần lưu ý thông tin ở từng trường để nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ cho chính xác, vì có trường xét kết quả 2 học kỳ, có trường xét 5 học kỳ và mức điểm yêu cầu cho xét tuyển cũng khác nhau.

Năm nay thí sinh có lợi thế là có nhiều lựa chọn tổ hợp môn thi để xét tuyển, thí sinh lại được biết điểm thi trước khi đăng ký. Điều đó cũng có nghĩa thí sinh có điều kiện chọn tổ hợp môn thi mà mình đạt điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển, như vậy thì độ rủi ro giảm xuống, kéo theo sự giảm về số hồ sơ ảo. Về điểm thi, năm nay, phổ điểm cho thấy những thí sinh đạt điểm cao ở môn ngoại ngữ nắm lợi thế rất lớn khi xét tuyển tổ hợp có môn này, bởi điểm thi của đa số thí sinh rất thấp, chỉ khoảng 20%, tức gần 120 nghìn em có điểm môn tiếng Anh trên 5. Số thí sinh đạt điểm 7 chỉ vỏn vẹn hơn 8 nghìn em. Cuộc đua khốc liệt nhất thuộc về nhóm thí sinh đạt tổng điểm 3 môn thi dưới 17, bởi theo phân tích của Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa thì lượng thí sinh thuộc vùng điểm 15-17 là rất lớn, cao hơn hẳn năm ngoái trong khi số thuộc vùng điểm 23-26 vẫn chỉ như mọi năm.

Lưu ý độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp

Thời gian nhận đăng ký xét tuyển còn khá dài, cho tới ngày 20-8, nên các chuyên gia đều khuyên thí sinh không nên quá vội vàng trong việc nộp hồ sơ trước khi cân nhắc thật kỹ. Bước vào đợt xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã thêm một lần nhấn mạnh rằng, thí sinh cần tìm hiểu quy định của trường về độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp nếu trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành. Thí sinh nên lựa chọn nhiều hơn một trường và xếp thứ tự ưu tiên để có thể thay đổi nguyện vọng kịp thời. Sau khi đã chọn được trường phù hợp, thí sinh nên nộp hồ sơ ngay để có thời gian theo dõi thông tin thống kê của trường, kịp thời điều chỉnh nguyện vọng nếu thấy cần thiết. Đối với các trường, trước đó, Bộ cũng đã yêu cầu những trường dùng đồng thời tổ hợp truyền thống và tổ hợp mới để xét tuyển phải ghi rõ chỉ tiêu cho mỗi loại tổ hợp. Khi đó mỗi ngành phải có 2 mã để xét tuyển với chỉ tiêu riêng. Trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét cho 1 ngành phải quy định và công bố độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp.

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý thí sinh nên tìm hiểu các điều kiện bổ sung, hay tiêu chí phụ, mà trường dùng để xét tuyển trong trường hợp lấy hết chỉ tiêu mà cuối danh sách trúng tuyển vẫn còn nhiều thí sinh có điểm như nhau. Thường có hai cách xác định tiêu chí phụ. Cách thứ nhất dựa vào điểm học bạ THPT; cách thứ hai căn cứ vào điểm một môn thi được lựa chọn trong tổ hợp môn thi xét tuyển vào từng ngành của trường. Cũng có trường đồng thời sử dụng cả 2 tiêu chí phụ để chọn thí sinh. Trường ĐH Luật Hà Nội quy định, nếu còn chỉ tiêu mà nhiều thí sinh có cùng mức điểm, sẽ xét các tiêu chí phụ. Tiêu chí 1 là thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi trong cả 3 năm THPT. Tiêu chí 2 xét đến các môn thi ưu tiên: Với ngành Luật, ngành Luật Kinh tế, thí sinh xét tuyển theo tổ hợp các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, thì thí sinh có điểm ngữ văn cao hơn sẽ trúng tuyển. Với tổ hợp các môn toán, lý, hóa, người có điểm toán cao hơn sẽ trúng tuyển. Trường ĐH Thương mại quy định tiêu chí phụ 1: Với ngành Ngôn ngữ Anh, sử dụng môn tiếng Anh; chuyên ngành tiếng Pháp thương mại, sử dụng điểm môn tiếng Pháp; các ngành còn lại sử dụng điểm môn toán.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng: Làm sao để giảm rủi ro?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.