Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành công của người Mỹ gốc Á: Không như những gì bạn nghĩ!

Thanh Hà| 04/08/2015 16:23

(HNMO) - Nhiều người vẫn nghĩ rằng, chìa khóa thành công của những người Mỹ gốc Á, nhóm được coi là có trình độ giáo dục tốt nhất tại Mỹ, nằm ở nền văn hóa đậm bản sắc Á. Thế nhưng, thực tế có thể không hẳn như vậy.

(HNMO) - Cộng đồng người Mỹ gốc Á vốn được xem là nhóm có thu nhập cao nhất, giáo dục tốt nhất và gia tăng với tốc độ nhanh nhất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đã từ rất lâu rồi, nhiều học giả bảo thủ và giới truyền thông coi cộng đồng người Mỹ gốc Á là “một nhóm thiểu số mẫu mực”. Họ cho rằng, thành công của những người Mỹ sinh ra trong các gia đình có bố mẹ là “công nhân cổ xanh” – những người lao động chân tay nhập cư từ châu Á là nhờ vào nền văn hóa đậm bản sắc Á, trong đó nổi bật là đức tính chăm chỉ và sợi dây gắn kết gia đình chặt chẽ.

Thế nhưng, theo một bài viết được đăng tải trên trang mạng CNN, đằng sau thành công này, không phải là những lý do như nhiều người vẫn nghĩ.

Trong cuốn sách “The Asian American Achievement Paradox” (tạm dịch: Nghịch lý thành công của người Mỹ gốc Á), dựa trên khảo sát và các cuộc phỏng vấn 140 thanh niên tới từ các gia đình người Trung Quốc, Việt Nam và Mexico nhập cư vào Los Angeles, Giáo sư Jennifer Lee, bộ môn Khoa học Xã hội, ĐH California, Mỹ, và Tiến sỹ Min Zhou, đồng tác giả cuốn sách, đã chỉ ra yếu tố thực sự đằng sau thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Á. Đó không phải là nền văn hóa Châu Á mà chính là Luật Nhập cư và hệ thống giáo dục của Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người nhập cư có trình độ giáo dục và kỹ năng tốt đến từ các quốc gia châu Á. 

Dựa trên các dữ liệu có sẵn gần đây nhất, tác giả cuốn sách chỉ ra rằng, những người nhập cư ưu tú là một trong những nhóm có trình độ giáo dục cao nhất và thường cũng cao hơn trình độ giáo dục của phần đa dân số Mỹ. Lấy ví dụ những người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ, theo số liệu năm 2010, 51% có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, cao hơn gấp nhiều lần so với mức 4% tại Trung Quốc và 28% tại Mỹ. Nền tảng giáo dục tốt của các nhóm nhập cư này là khởi nguồn của khái niệm “đặc quyền châu Á” mà nhiều người vẫn thường nhắc tới. 

Khi những nhóm người châu Á nhập cư ổn định cuộc sống tại Mỹ, họ bắt đầu xây dựng thứ mà nhà kinh tế học George Borjas gọi là “vốn dân tộc”. Những bậc phụ huynh có trình độ giáo dục cao có đủ nguồn lực và tâm huyết để dạy dỗ con cái sau giờ học. Và thậm chí, ngay cả những vị phụ huynh không hề biết tiếng Anh, chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông cũng đặc biệt coi trọng nền tảng giáo dục cho con cái mình.

Trong những cộng đồng như Korea Town, China Town và Little Saigon, các bậc cha mẹ truyền tai nhau về những trường công lập tốt nhất, những hội thảo giáo dục đại học miễn phí hay làm thế nào để chuẩn bị chi tiết và kỹ lưỡng cho quá trình dự tuyển vào đại học.

Câu chuyện của Jason, một thanh niên người Mỹ gốc Trung được nêu trong cuốn sách là một ví dụ điển hình về việc, sự hiểu biết của các bậc phụ huynh đã đem đến cho con cái họ những lợi ích lớn như thế nào. Bố mẹ của Jason là những người nhập cư không hề biết tiếng Anh và chưa tốt nghiệp phổ thông. Thế nhưng họ đã dùng danh bạ Trang vàng Trung Quốc để tìm ra những trường công tốt nhất tại Los Angeles, những chương trình giáo dục nằm trong khả năng chi trả giúp Jason đạt điểm cao và vượt qua kỳ thi SAT. Đáp lại công ơn của cha mẹ, Jason đã tốt nghiệp thủ khoa trong lớp và nộp đơn vào trường ĐH California danh tiếng.

Việc chính phủ Mỹ gia tăng nguồn quỹ dành cho tư vấn giáo dục, huấn luyện viên và các chương trình giảng dạy là bước khởi đầu quan trọng. Thế nhưng, điều giúp rất nhiều trẻ em từ các gia đình nhập cư có thể vượt qua rào cản dân tộc, màu da để có thể tiếp cận những nguồn lực cần thiết, đó là việc Mỹ đã tạo ra hệ thống các chương trình giáo dục nằm trong khả năng chi trả của những nhóm dân cư này. Đây là nền tảng để thế hệ con cái những người nhập cư châu Á có thể hướng tới bước đột phá trong tương lai. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành công của người Mỹ gốc Á: Không như những gì bạn nghĩ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.