Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không bắt buộc học sinh mua đồng phục, bảo hiểm

Hồng Hạnh| 27/08/2015 05:56

(HNM) - Ngày 26-8, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết đã có văn bản gửi các phòng GD-ĐT và nhà trường hướng dẫn triển khai một số công việc đầu năm học 2015-2016 như tổ chức lễ khai giảng, lễ chào cờ, hát Quốc ca… thống nhất trên toàn thành phố.


Một trong những nội dung quan trọng Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc trong dịp này là việc triển khai đồng phục cho học sinh. Theo đó, đồng phục học sinh phải được thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp với lứa tuổi và văn hóa của địa phương, được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận. Các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, mà chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng; không được phép để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ


Về công tác bảo hiểm thân thể, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo rõ: Bảo hiểm thân thể là bảo hiểm mang tính chất tự nguyện, các nhà trường khi triển khai phải bảo đảm theo đúng quy định. Gia đình học sinh có thể lựa chọn bất kỳ đơn vị bảo hiểm nào có đủ tư cách pháp nhân và phù hợp với điều kiện của mình để tham gia. Nhà trường tuyệt đối không được ép buộc, chỉ định hoặc giới hạn đơn vị bảo hiểm để gia đình học sinh phải tham gia.

n Ngày 26-8, Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Nhiệm vụ chung, cơ bản của các cấp học trong năm học mới được Bộ GD-ĐT xác định là tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TƯ về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành thành hoạt động thường xuyên tại mỗi đơn vị.

Các Sở GD-ĐT tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh. Cấp học mầm non đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; cấp tiểu học và THCS củng cố và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; cấp học phổ thông tăng cường công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; đa dạng hóa hình thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không bắt buộc học sinh mua đồng phục, bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.