Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đón năm học mới với nỗi lo cũ

Thống Nhất| 01/09/2015 07:38

(HNM) - Bốn ngày nữa, tiếng trống khai trường năm học 2015-2016 sẽ vang lên ở khắp các trường học. Đây là năm học thứ ba toàn ngành giáo dục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.


Việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy và học ở các nhà trường được coi là tiền đề cơ bản để đưa nội dung của Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Những nỗi lo cũ

Hà Nội hiện có hơn 2.500 trường học, với 1,7 triệu học sinh các cấp học, tăng hơn năm học trước gần 80 nghìn học sinh - là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Quy mô ấy đồng nghĩa với nhiệm vụ và những khó khăn, thách thức mà giáo dục Thủ đô phải cáng đáng, vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng vị thế "đầu tàu" về giáo dục của cả nước.

Trong số bốn nội dung còn tồn tại của ngành được Bộ GD-ĐT đề cập tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 vừa diễn ra, vấn đề được Hà Nội kiên trì, quan tâm khắc phục là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội từng có hẳn một nội dung (Kế hoạch 86-KH/UBND) với kinh phí cả nghìn tỷ đồng để xóa hơn 5 nghìn phòng học cấp 4 xuống cấp, nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn.

Dù còn nhiều việc phải lo, song kinh phí của thành phố dành cho giáo dục luôn chiếm tỷ lệ hơn 20% trong tổng ngân sách, trong đó phần lớn chi cho việc xây dựng trường học, mua sắm thiết bị. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, quy mô giáo dục tăng mạnh hằng năm, nên điều kiện dạy học còn có sự khác biệt nhất định ở các địa bàn. Một trong những huyện khó khăn nhất là Mỹ Đức, tính đến đầu năm học mới này mới có 76% số phòng học kiên cố ở cấp mầm non, tỷ lệ phòng học kiên cố ở cấp tiểu học đạt 82% và THCS đạt 89%. Thống kê sơ bộ của Phòng GD-ĐT huyện cho thấy, Mỹ Đức còn trên 120 phòng học tạm, phòng học nhờ, ngoài ra còn có 29 trường cần phải được cải tạo, với kinh phí khái toán khoảng 4,4 tỷ đồng.

Những khó khăn về cơ sở vật chất được liệt vào danh mục những khó khăn khó khắc phục nhất. Trong khi đó, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mảng công tác của ngành giáo dục như cải thiện chất lượng, tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn, giảm áp lực tuyển sinh, xây dựng trường chuẩn quốc gia… Đây là những thách thức đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực, kiên trì và sự chung tay góp sức của toàn xã hội để vượt qua, góp phần thực hiện thành công đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám.

Đột phá từ nâng cao chất lượng nhân lực

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đánh giá: Năm học vừa qua, giáo dục Thủ đô đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Năm học mới, khâu đột phá được giáo dục Hà Nội tiếp tục xác định là xây dựng đội ngũ giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các nhà trường. Xác định vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ này đối với sự phát triển của giáo dục, nhất là trong bối cảnh yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi từ xã hội ngày càng cao, Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên với đề án, lộ trình cụ thể đến năm 2020.

Hà Nội có nhiều lợi thế về chất lượng giáo viên cao hơn so với nhiều địa phương khi 100% giáo viên đứng lớp (tương ứng với gần 94 nghìn người) đều đạt chuẩn trình độ đào tạo; tỷ lệ trên chuẩn ở cấp tiểu học lên tới 93%, THCS 76%, mầm non 54%... Trước yêu cầu nhiệm vụ năm học mới, tạo tiền đề để triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, Hà Nội đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng về cả chuyên môn, nghiệp vụ. Dù ngân sách hạn hẹp, song trong hai năm 2014 và 2015, thành phố đã dành 23 tỷ đồng cho việc đào tạo, bồi dưỡng.

Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cũng là yêu cầu cần thiết để đội ngũ giáo viên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi mới. Đón năm học mới, toàn thành phố đã xây mới được 64 trường học các cấp với tổng kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác cải tạo, sửa chữa và thay thế, bổ sung phòng học, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa được quan tâm thiết thực, với số phòng học được xây mới là hơn 2 nghìn phòng, kinh phí 1.100 tỷ đồng. Đáp ứng yêu cầu đổi mới, việc mua sắm thiết bị dạy học cũng được đặc biệt coi trọng trong năm học này. Các trường học đã được đầu tư gần 600 tỷ đồng cho việc mua sắm thiết bị, tạo điều kiện tích cực để đội ngũ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và dạy học tích hợp, dạy học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tế.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đón năm học mới với nỗi lo cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.