Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng đội ngũ, sẵn sàng cho năm học mới

Thống Nhất| 05/09/2015 06:02

(HNM) - Năm học 2015-2016 là năm thứ ba ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành, trong đó đội ngũ nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng.


Phát triển vượt bậc về lượng và chất

Một trong những mục tiêu, cũng là giải pháp mà ngành Giáo dục Hà Nội kiên trì theo đuổi nhiều năm nay là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, coi đây là nền tảng quan trọng, có ý nghĩa tích cực nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi đơn vị. Dù trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, song kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên (GV) hằng năm luôn được bảo đảm và có chiều hướng tăng (năm 2014 là 10 tỷ đồng, năm 2015 là 13 tỷ đồng). Kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ giai đoạn 2005-2010, tiếp đó là 2011-2015 được triển khai đã góp phần hoàn thiện đội ngũ nhà giáo có quy mô lớn nhất cả nước, tình trạng "xôi đỗ" về chất lượng ở các địa bàn cơ bản được giải quyết.

Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Giáo dục Hà Nội trong năm học 2015-2016.



Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Năm học 2015-2016, đội ngũ nhà giáo của Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đồng bộ về cơ cấu theo định mức quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn ngành có gần 130 nghìn cán bộ, GV, nhân viên, trong đó tỷ lệ GV đạt chuẩn trình độ đào tạo đạt 100%, tỷ lệ có trình độ trên chuẩn cao nhất cả nước, trong đó cấp tiểu học đạt trên 90%, cấp THCS 70%, mầm non 50%... Quy mô học sinh (HS) toàn thành phố tăng hơn so với năm học trước 75 nghìn HS, song công tác chuẩn bị các điều kiện dạy và học đều đã sẵn sàng. Kế hoạch tuyển dụng hơn 4 nghìn GV mầm non, tiểu học và THCS của thành phố vừa ban hành cũng sẽ bổ sung cho các nhà trường một đội ngũ ngày càng hoàn thiện và có chất lượng.

Việc chuẩn bị về nhân lực cho năm học mới đã được các quận, huyện, thị xã đặc biệt quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả năm học. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục quận Tây Hồ cho biết, năm học 2015-2016, quy mô giáo dục quận tăng hơn với 51 trường học và 55 nhóm lớp. Tính đến thời điểm này, đội ngũ GV cơ bản đáp ứng đủ.

Trong khi đó, đón năm học mới, quận Hoàn Kiếm tập trung nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ, nâng tỷ lệ GV trên chuẩn ở các cấp học đều cao hơn gần 10% so với tỷ lệ chung của thành phố. Huyện Mỹ Đức dù còn nhiều khó khăn song đã bảo đảm gần 5 nghìn GV được bồi dưỡng theo yêu cầu nhiệm vụ cấp học trước thềm năm học mới.

- Năm học 2015-2016, Hà Nội có 2.574 cơ sở giáo dục với gần 1,7 triệu HS các cấp học.
- 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành: Đổi mới giáo dục và đào tạo; đổi mới công tác quản lý; đổi mới phương pháp giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo; xây dựng cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại hóa; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; đa dạng hóa các mô hình đào tạo.

Mỗi thầy cô giáo thực hiện một việc đổi mới

Kết quả toàn diện của giáo dục Thủ đô trong năm học vừa qua có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ GV. Điều ấy không chỉ khẳng định vai trò của đội ngũ GV đối với chất lượng, hiệu quả giáo dục, mà còn đặt ra cho đội ngũ này những đòi hỏi ngày càng cao để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, năm học mới 2015-2016, Hà Nội phải đi tiên phong trong đổi mới toàn diện về GD-ĐT; tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, đổi mới chương trình giáo dục, đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Để thực hiện có chất lượng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đội ngũ GV phải là những người đi tiên phong trong quá trình thực hiện đổi mới. Căn cứ lý luận và thực tiễn của Hà Nội nhiều năm qua đã chứng minh rằng, trong đổi mới giáo dục có nhiều khâu, nhưng khâu đột phá, có tính chất quyết định, tác động đến nhiều khâu khác chính là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ GV. Năm học mới, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" nhằm hoàn thiện đội ngũ về phẩm chất, tâm huyết với nghề. Về chất lượng chuyên môn, lãnh đạo ngành sẽ đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức để khích lệ sự phấn đấu, ý thức tự giác với yêu cầu: Mỗi thầy cô giáo thực hiện một việc đổi mới, làm cơ sở để lan tỏa đến hơn 90 nghìn GV trong toàn ngành.

Từng đơn vị cũng chọn cho mình những nội dung cơ bản để làm "điểm nhấn" tạo sự chuyển biến toàn diện hơn về chất lượng đội ngũ. Ngành Giáo dục quận Ba Đình quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ GV tiếng Anh, tạo điều kiện cho GV tham gia tập huấn theo chuẩn Châu Âu B2 để đáp ứng yêu cầu của việc dạy học ngoại ngữ theo lộ trình của Bộ GD-ĐT đến năm 2020. GV được tăng cường bồi dưỡng về kỹ năng ra đề, soạn đáp án và chấm bài kiểm tra theo hướng chuẩn kiến thức, kỹ năng với 4 cấp độ: Biết, thông hiểu, vận dụng và sáng tạo.

Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm tập trung đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng, gắn đào tạo bồi dưỡng với việc đổi mới dạy học, đồng thời đẩy mạnh phong trào xây dựng nhà giáo mẫu mực. Ở địa bàn còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục huyện Mỹ Đức phát động phong trào thi đua dạy tốt, phát huy tâm huyết, trách nhiệm của mỗi GV nhằm tạo chuyển biến trong giáo dục đại trà, hạn chế tối đa tình trạng HS bỏ học…

Những nỗ lực đổi mới của từng người, từng đơn vị chắc chắn sẽ làm lan tỏa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành về chất lượng trong năm học mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng đội ngũ, sẵn sàng cho năm học mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.