Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lách quy định, nhiều trường chia nhỏ các khoản để lạm thu

Theo Thu Hiền/VOV| 20/09/2015 14:12

Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh cho biết, năm nay để lách quy định, nhiều trường đã chia nhỏ các khoản đóng góp ra thành nhiều đợt.

Năm nào cũng vậy, cứ sau lễ khai giảng, các trường lại tổ chức họp phụ huynh để phổ biến việc triển khai nhiệm vụ năm học mới và thông báo các khoản thu chi đầu năm. Đây cũng là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của phụ huynh và dư luận xã hội.

Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh cho biết, năm nay để lách quy định, nhiều trường đã chia nhỏ các khoản đóng góp ra thành nhiều đợt dưới hình thức tự nguyện, nhất là Quỹ cha mẹ học sinh.

Mỗi khoản thu được tách riêng ra từng đợt.


Tiền học phí, tiền ăn bán trú, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm tự nguyện, tiền nước uống, phô tô, quỹ cha mẹ học sinh, tiền mua quạt lắp điều hòa, rèm cửa...tổng cộng từ 3 triệu đến 5 triệu đồng là những khoản đóng góp đầu năm học phổ biến tại các trường ở Hà Nội.

Trong đó các khoản thu tự nguyện, nhất là khoản Quỹ cha mẹ phụ huynh ngày càng biến tướng, với mức đóng góp mỗi trường một kiểu. Trung bình mỗi phụ huynh như ở Tiểu học Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đóng 500.000 đồng/học sinh/năm...Có trường, thu tới 700.000 đồng/năm, trong đó 200.000 đồng được đại diện cha mẹ học sinh giải thích là nộp vào quỹ của trường và 500.000 đồng để lại quỹ lớp, như trường mầm non Sao Mai, phường Nam Đồng, quận Đống Đa...

Một số trường còn yêu cầu phụ huynh đóng hàng trăm nghìn đồng tiền ủng hộ cho lễ kỷ niệm thành lập trường...

Ngay cả việc thu tiền BHYT tưởng sẽ thống nhất một số thu theo quy định chung thì ở một số trường cũng có cách thức thu và mức tiền phụ huynh phải đóng cho con khác nhau. Chẳng hạn, Trường Tiểu học Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai thu 507.150 đồng/học sinh/năm thì Trường tiểu học Trung Văn, quận Nam Từ Liêm thu 543. 375 đồng (15 tháng) 1 học sinh/ năm.

Tiền Bảo hiểm thân thể cũng có mức thu khác nhau, như Trường THCS Tứ Liên (quận Tây Hồ) thu 100.000 đồng/học sinh/năm, Trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) thu 80.000 đồng/học sinh/năm, Trường Tiểu học Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) thu 105.000 đồng/học sinh/năm…

Nhiều phụ huynh cho rằng, mức đóng đầu năm học này quá cao. Với nhiều gia đình có hai con đi học thì đây là khoản thu không hề nhỏ, thậm chí, trở thành gánh nặng đối với những phụ huynh làm công việc lao động phổ thông.

Chị Nguyễn Thu Hà ở huyện Thanh Oai có con đang học trường Tiểu học Cao Viên 2 cho biết: Nửa năm là hết 4 triệu tất cả các khoản từ A tới Z là hết 4 triệu. Quỹ cha mẹ học sinh là 500.000 đồng còn BHYT là hết hơn 500.000 đồng. So với năm trước cao hơn 1 triệu đồng. Như chúng tôi đi lao động là quá cao.

Để lách luật và tạo cảm giác phụ huynh không phải đóng một khoản tiền lớn trong một lần, nhiều trường đã chia nhỏ các khoản thu ra nhiều đợt. Khi thông báo tới phụ huynh, mỗi khoản thu lại được in tách riêng từng tờ một, không in theo danh sách dài như những năm trước.

Cách thu cũng thay đổi, đối với các khoản thu tự nguyện, phụ huynh sẽ nộp trực tiếp cho đại diện Ban cha mẹ phụ huynh. Còn các khoản thu theo quy định thì phụ huynh sẽ đóng cho kế toán nhà trường và có hóa đơn. Biết có những khoản vô lý, nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải ký đồng ý vào tờ xin ý kiến các khoản thu, vì sợ ảnh hưởng tới việc học tập của con.

Chị Nguyễn Thị Kiên, ở quận Hoàng Mai có con đang học ở trường Tiểu học Lĩnh Nam cho biết: "Tôi thắc mắc tiền tiếng Anh. Tiền học tiếng Anh còn cao hơn cả tiền học ngày hai buổi của các con ở trên trường mà mỗi một tuần tiếng Anh này có hai buổi mà 130.000 đồng/tháng. Tiền học thì đóng cho kế toán trường còn tiền quỹ cha mẹ học sinh là đóng cho trưởng hội cha mẹ học sinh của lớp. Tiền photo và các khoản tiền khác không bao giờ có trong hóa đơn cả".

Nhìn nhận thực tế này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nói: Bây giờ dựa vào Ban phụ huynh thì Ban phụ huynh họ nể giáo viên và nể vào nhà trường. Thí dụ như nhà trường cần thu gì thì lại không đứng ra thu ngay mà lại thôn qua Ban phụ huynh vận động. Ban Phụ huynh thì cũng nghĩ, không làm theo được, con cháu học hành như thế nào cho nên đành phải đứng ra mà thu thôi. Nếu giờ giao cho một cơ quan nào đó làm điều tra mà cơ quan đấy hoàn toàn không bị phụ thuộc vào giáo dục mà kết quả điều tra được xử lý thì chắc là bớt đi nhiều.

Nhằm tránh tình trạng lạm thu, thu không đúng quy định, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức 21 đoàn kiểm tra công tác đầu năm học 2015-2016 tại 30 quận, huyện, thị xã và trường trực thuộc trên địa bàn thành phố. Cùng với việc rà soát các điều kiện phục vụ năm học mới như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên,… công tác thu chi tài chính, chủ yếu là các khoản thu khác, là nội dung được đặc biệt quan tâm trong đợt kiểm tra này.

Dự kiến đợt kiểm tra kết thúc vào trung tuần tháng 10/2015. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Kết thúc đợt kiểm tra này, những trường nào có những nội dung thu chi trái với quy định 51 thì chúng tôi sẽ có văn bản thống kê và gửi cho các UBND quận, huyện, yêu cầu xử lý theo thẩm quyền phân cấp quản lý.

Đối với các trường trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội thì Thanh tra và Phòng Kế hoạch - Tài chính sẽ tham mưu lãnh đạo sở hình thức xử lý, trường hợp nào cắt thi đua, trường hợp nào phê bình nhắc nhở nhà trường và yêu cầu trả lại.

Theo các chuyên gia giáo dục, lạm thu trong các nhà trường hiện nay nghiêm trọng chẳng khác gì tham quan, nhận hối lộ. Để ngăn chặn lạm thu, toàn xã hội phải cùng tham gia, nhất là các bậc phụ huynh phải giám sát thu, chi, khi phát hiện ra các khoản bất hợp lý cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cần quy định rõ mức thu, kể cả các khoản tự nguyện để hạn chế tối đa tình trạng lạm thu vào mỗi dịp đầu năm học mới./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lách quy định, nhiều trường chia nhỏ các khoản để lạm thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.