Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc kỹ thiệt, hơn

Thanh Tàu| 20/11/2015 06:48

(HNM) - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trong đó có nội dung các trường ĐH không được tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) bắt đầu thực hiện từ năm 2020. Các chuyên gia cũng như lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ ủng hộ


Trường ĐH tập trung đào tạo các bậc cao hơn

Hiện cả nước có 140 trường ĐH đào tạo hệ CĐ. Bộ cũng cấp chỉ tiêu khá nhiều cho các trường ĐH này nên có những trường mở đến gần 30 ngành đào tạo hệ CĐ.

Giờ thực hành của sinh viên Đại học Hoa Sen.



TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng, trường ĐH nên tập trung đào tạo tốt nguồn lực cho bậc ĐH và sau ĐH, không nên ôm đồm nhiều bậc đào tạo thấp hơn, gây phân tán đầu tư. Trong khi đó, hệ thống các trường CĐ, trung cấp dù được đầu tư trang thiết bị, đội ngũ giảng viên, nhưng không tuyển sinh được học viên và đó chính là bất hợp lý. "Bộ đang quan tâm vấn đề này là đúng, tôi ủng hộ. Điều này cũng phù hợp với định hướng phân tầng ĐH mà Chính phủ đang đầu tư", TS Lý phân tích.

Tương tự, Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, ĐH đào tạo hệ CĐ là vấn đề do lịch sử để lại. Trước đây, có nhiều ngành CĐ chuyên biệt chỉ các trường ĐH mới đủ khả năng và điều kiện để đào tạo. Ngoài ra, rất nhiều trường ĐH hiện nay xuất thân là các trường CĐ và bản thân các trường này có bề dày đào tạo đối với bậc học này. Vậy nên, cần có thời gian để điều chỉnh, chuyển giao theo lộ trình mà Chính phủ và Bộ GD-ĐT đã vạch ra cách đây nhiều năm. Lộ trình như dự thảo đưa ra là hợp lý và bản thân các trường nên chủ động nắm bắt, tổ chức thực hiện. Bản thân nhiều trường ĐH hiện nay cũng đã xin thôi không tuyển sinh đào tạo bậc CĐ nữa, nhường "sân chơi" này cho các trường CĐ. Cụ thể như: ĐH Kinh tế, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh…

Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen nhận định, thật ra Bộ GD-ĐT không quy định chỉ tiêu cho các trường hệ CĐ mà chỉ cho phép đào tạo CĐ. Các trường căn cứ năng lực để xác định chỉ tiêu từng bậc học cho mình. Theo ông Bình, trường ĐH nên tập trung đào tạo ĐH và sau ĐH. Việc đào tạo CĐ tại các trường thường do yếu tố lịch sử và các trường cần giảm đào tạo bậc học này để tập trung chuyên môn cho các bậc học cao hơn.

Ủng hộ chủ trương

Nhiều chuyên gia giáo dục ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT và cho rằng nên sớm triển khai chứ không thể chờ theo lộ trình đến 2020. TS Trần Đình Lý cho rằng: Điều này rất đúng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trường ĐH Nông Lâm hiện đã bỏ hẳn đào tạo trung cấp từ 10 năm nay, bậc CĐ từ 3 năm nay để tập trung đào tạo ĐH và sau ĐH, tập trung cho nghiên cứu. Việc đào tạo phải theo nhu cầu xã hội. Loại hình vừa làm vừa học hiện nay sụt giảm lớn, tuy nhiên địa phương nào còn nhu cầu và chính đáng thì chúng ta vẫn đầu tư.

Cũng theo TS Trần Đình Lý, Bộ đang cân nhắc để lấy ý kiến dư luận xã hội là hết sức hợp lý. Quan điểm và cách làm này nên duy trì thường xuyên, đặc biệt là việc điều chỉnh chính sách liên quan đến con người, đến nhiều thế hệ sinh viên, học viên và đặc biệt là ảnh hưởng đến việc đầu tư trọng tâm trọng điểm của các cơ sở giáo dục và của Nhà nước. Cần có những sự rà soát số liệu một cách căn cơ từ số liệu vĩ mô đến các cơ sở, các nhóm ngành, các nhóm trường theo từng loại hình, từng bậc, công khai để mọi người góp ý và đề xuất giải pháp căn cơ, như vậy các chính sách sẽ có giá trị lâu dài.

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ cũng ủng hộ những thay đổi đã thể hiện trong dự thảo, đồng thời cho rằng, những vấn đề được thể hiện trong dự thảo là hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH theo xu hướng hội nhập. Mặt khác, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục giao quyền tự chủ, phân cấp mạnh hơn nữa cho các trường đúng tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TƯ, ngày 4-11-2013 của Trung ương Đảng.

Tương tự, Thạc sĩ Hoàng Đức Bình cho rằng, đề xuất trường ĐH không đào tạo hệ CĐ là hướng đi đúng. Trong năm vừa qua, ĐH Hoa Sen đã giảm chỉ tiêu tuyển bậc CĐ chỉ còn 12% trong tổng chỉ tiêu và tương lai trường cũng sẽ bỏ dần hệ CĐ, tập trung vào bậc học cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc kỹ thiệt, hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.