Theo dõi Báo Hànộimới trên

20/11 không hoa của thầy cô hơn 30 năm cắm bản

Theo Hoàng Phương/VnExpress| 20/11/2015 12:34

Nhiều năm đi dạy, cô Hiền mấy lần định xách túi về xuôi nhưng lại không đành lòng, cô Hằng bật khóc khi nhìn nắm cơm ăn với muối của học trò...

Cô Hiền có dáng người nhỏ bé, chỉ nặng hơn 40 kg. Ảnh: Hoàng Phương.

Cô Đỗ Thị Thúy Hiền (38 tuổi), giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Lũng Hồ (Yên Minh, Hà Giang) có dáng người nhỏ bé, chỉ nặng chưa đầy 40 kg. Gác lại hạnh phúc bản thân và bệnh tật của riêng mình, cô Hiền đã 13 năm cắm bản, dạy các lớp học bên vách núi tai mèo ở nơi địa đầu tổ quốc.

Ra trường năm 2002, cô rời Tuyên Quang, bắt đầu dạy các lớp học ở Hà Giang. Nhớ lại ngày đầu tiên lên trường phải leo đường mòn đá tai mèo lởm chởm, cô đã bật khóc vì mệt mỏi, chán nản. Tháng đầu tiên lên trường còn không có gạo, các cô chỉ ăn toàn ngô như đồng bào Mông. Tuổi thanh xuân của cô và đồng nghiệp cứ trôi qua trong ánh đèn dầu leo lắt và những đêm dài lê thê.

Gắn bó với điểm trường Khẩu Khứ được vài năm thì sức khỏe cô bắt đầu giảm sút, chỉ có hơn 30 kg. Sau thời gian điều trị, cô mới biết mình bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha từng đi chiến trường. Sức khỏe không tốt, trái nắng trở trời là cơ thể đau nhức, nhiều hôm cô sốt gần một ngày mới có người phát hiện ra. Cuộc sống quá khó khăn, mấy lần cô dự định gấp quần áo, xách túi về xuôi. Nhưng học trò biết, mếu máo "Cô đi rồi thì bọn em học với ai", thế là cô ở lại.

"Nói không nản là nói dối. Nhưng mà sống ở đâu lâu thì ắt sinh tình. Đất và người chân thật nơi đây trở thành quê hương thứ hai của mình, học trò, đồng bào là người thân", cô chia sẻ thật lòng.

Mái tóc điểm bạc, thầy Lò Văn Xuân (58 tuổi), giáo viên Tiểu học Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) có 35 năm gắn bó với vùng cao. Trường nằm cách trung tâm huyện gần 60 km, là nơi xa nhất của huyện, tổng cộng 9 điểm trường thì có 6 điểm giáp đường biên.

Thầy Xuân được tuyên dương vì những đóng góp cho giáo dục vùng cao.

Gắn bó với Mường Lèo từ những năm 1977, biết bao thế hệ học trò nơi đây lớn lên dưới sự chăm sóc, dạy dỗ của thầy. Ông giáo già thông thạo cả tiếng Thái, Mông và Khơ Mú, giao tiếp, sinh hoạt chẳng khác người bản địa là bao.

Thầy chia sẻ, giáo viên cắm bản ngoài nhiệt huyết thì quan trọng là sự kiên trì. Kiên trì để không bỏ học sinh nơi đây và kiên trì để vượt qua chính mình. Già nửa cuộc đời gắn bó với học sinh miền núi, thầy chứng kiến nhiều đồng nghiệp vì những khó khăn mà bỏ cuộc giữa chừng, không chịu được gian khổ phải bỏ cuộc về miền xuôi hoặc xin làm công việc khác.

"Ngày 20/11, thầy cô khác có hoa, có quà, đồng bào nơi đây còn mải mê đi nương rẫy, học sinh còn không biết đó là ngày gì. Nên nhiều lúc đồng nghiệp động viên nhau, vượt qua những phút chạnh lòng, vượt qua tất cả để tiếp tục công việc", thầy chia sẻ.

Cô Lê Thị Hằng (54 tuổi), giáo viên trường Tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) có thâm niên cắm bản chẳng kém thầy Lò Văn Xuân. 33 năm trăn trở với nghề cũng là từng ấy thời gian cô gắn bó với miền núi. Bước chân cô Hằng đặt lên khắp các bản từ xã Yên Thắng đến Đồng Lương. Những ngày đầu đi dạy, cô từng bật khóc khi nhìn học trò bốc cơm ăn với muối. Học sinh người dân tộc nghèo, thiếu ăn, đôi khi còn đói lả trong lớp học. Nhiều hôm tan giờ học, các cô ở trường nấu cơm, học trò cũng ở lại, vậy là cô trò ăn cùng nhau.

Cô Lê Thị Hằng 33 năm là giáo viên cắm bản. Ảnh: Hoàng Phương.

"Bữa cơm chỉ có chút rau và vài con cá khô, nhưng học trò ăn được mấy bát, nhìn mà ứa nước mắt", cô kể và nghiệm rằng đó là cuộc sống của hàng trăm học sinh ở những vùng xa khó khăn nhất, trải khắp miền Tây xứ Thanh này, từ Lang Chánh, đến Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát.

Khi về Đồng Lương dạy học, cô dạy ở tất cả các điểm trường lẻ của xã, nhiều nhất là bản Thung. Nơi đây có 24 học sinh được chia làm 5 lớp, đông nhất 8 em, ít nhất 4 em. Trong cặp cô lúc nào cũng có vở, bút và đồ dùng học tập để cho học sinh. Trò của cô lên lớp đều đều, còn có em học lực khá, giỏi, là nguồn động viên lớn nhất cho cô Hằng suốt nhiều năm cắm bản.

Chỉ còn một năm nữa là cô Hằng sẽ về hưu. "Rồi đây, không biết những người trẻ sau này có chịu được kham khổ mà gắn bó với học trò hay không. Nếu các thầy cô buông tay, không biết lũ trẻ sẽ ra sao", cô trăn trở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
20/11 không hoa của thầy cô hơn 30 năm cắm bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.