Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm từ Đà Nẵng

Khánh Vũ| 24/11/2015 07:25

(HNM) - Gần đây, việc một số


Nhân tài cũng phải... theo luật

Theo Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 120 nghìn lưu học sinh (LHS) Việt Nam đang du học tại nước ngoài, 1/10 trong số đó du học bằng kinh phí nhà nước. Theo một đề án lớn của Bộ GD-ĐT đã được tổng kết, trong số hơn 2.200 người được cử đi đào tạo tiến sĩ, chỉ có hơn 1.000 người về nước trong khi chi phí bình quân cho mỗi LHS theo đề án này vào khoảng 22.000 USD/năm. Hiện tượng này cho thấy "chảy máu chất xám" là một thực tế đáng báo động, kèm theo đó là việc LHS phải bồi hoàn kinh phí đào tạo. Các cơ quan, đơn vị có người đi đào tạo theo diện này, khi có nhu cầu sẽ gửi công văn báo cáo Bộ GD-ĐT để được cung cấp số liệu về kinh phí đã chi trả cho việc học tập ở nước ngoài. Căn cứ số liệu kinh phí được cung cấp, LHS thực hiện bồi hoàn kinh phí thì mới được giải quyết các thủ tục cần thiết và cơ quan sử dụng cán bộ có thể viện tới các cơ quan pháp luật can thiệp nếu họ không bồi hoàn kinh phí.

Các học viên đến tham khảo chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng.



Theo quy định, các đối tượng được cử đi học tại nước ngoài bằng học bổng ngân sách nhà nước và theo hiệp định thuộc diện xét bồi hoàn kinh phí khi: LHS không hoàn thành khóa học theo quyết định cử đi học của Bộ GD-ĐT; LHS đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng tốt nghiệp nhưng tự ý ở lại nước ngoài, không về nước thực hiện nghĩa vụ của người được cấp học bổng; trong thời gian được cử đi đào tạo, LHS tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với cơ quan công tác; LHS đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng tốt nghiệp, về nước công tác nhưng chưa phục vụ đủ thời gian quy định đối với người được cấp học bổng, xin thôi việc hoặc chuyển cơ quan công tác.

LHS hoàn toàn có thể chủ động trong vấn đề bồi hoàn khi gửi đơn đến Cục Đào tạo với nước ngoài và cơ quan công tác để được xem xét bồi hoàn hay miễn, giảm bồi hoàn. Với trường hợp chưa có cơ quan công tác, Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng xét bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định. Với những trường hợp vì lý do bất khả kháng như ốm đau, bệnh tật, thiên tai, chiến tranh mà không hoàn thành khóa học, LHS cũng có thể làm thủ tục để được miễn, giảm mức bồi hoàn.

Những quy định nói trên đã được đề cập trong NĐ 143 của Chính phủ và có hiệu lực từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, đến tháng 3 - 2015, Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quy định tại NĐ này về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo. Theo đó, trong 60 ngày kể từ khi có quyết định, người tốt nghiệp mà không chấp hành sự điều động làm việc hoặc chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cử đi học và cấp chi phí đào tạo sẽ thành lập hội đồng xét và kiến nghị mức bồi hoàn. Người học hoặc gia đình có trách nhiệm nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước, nếu chậm sẽ bị tính lãi suất theo quy định.

Điều chỉnh để tránh rủi ro

Dựa trên quy định hiện hành, TP Đà Nẵng đã khởi kiện và thắng kiện đối với 7 LHS không thực hiện cam kết. Các LHS thuộc diện phải bồi hoàn kinh phí đã thừa nhận việc không giữ đúng cam kết, đồng thời đưa ra lý do dẫn tới việc này. Trong số này có một LHS sau khi tốt nghiệp thủ khoa tại trường ĐH ở nước ngoài với kết quả xuất sắc đã được nhà trường cấp học bổng học tiếp tiến sĩ không qua thạc sĩ. Gia đình LHS đã làm đơn xin gia hạn cho con học thêm 3 năm với cam kết sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sẽ về Đà Nẵng làm việc, song không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Theo ý kiến của nhiều người, trường hợp này được cho là đáng tiếc bởi cơ hội trở thành tiến sĩ sẽ giúp LHS nói trên đóng góp được nhiều hơn cho đất nước sau này. Câu hỏi đặt ra là những trường hợp không về nước vì nhận được học bổng học lên cao hơn có đáng bị đánh đồng với những người ở lại nước ngoài vì lý do kết hôn hoặc kiếm tiền?

Tuy nhiên, nhìn chung, sự quyết liệt của các địa phương nhận được sự đồng tình của dư luận nói chung. Trên thực tế, có không ít người du học nước ngoài với khoản kinh phí tự túc rất lớn nhưng vẫn trở về đóng góp cho quê hương dù mức thù lao chưa tương xứng với trình độ và sự đầu tư của họ. Đại diện đơn vị khởi kiện, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Chiến khẳng định mọi học viên sau khi tốt nghiệp đều phải về làm việc ngay cho thành phố theo đúng hợp đồng đã cam kết. Thành phố chỉ xem xét các trường hợp học chuyển tiếp với thành tích xuất sắc, ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thành phố. Đà Nẵng đã từng chấp nhận gia hạn thời gian trở về để LHS có thể hoàn thành chương trình sau đại học nếu họ tự tìm được học bổng. Nhưng có một thực tế là nhiều học viên cố tình kéo dài chương trình học, thậm chí có trường hợp ở lại đến 11 năm với mục đích được sống và làm việc tại nước ngoài. Vì vậy, Đà Nẵng đã ra quyết định chấm dứt hoàn toàn việc chuyển tiếp đào tạo sau đại học, buộc học viên phải trở về để có kiến thức thực tế và hiểu Đà Nẵng đang cần gì, thiếu gì, lúc đó học viên có thể xin học bổng và đi học tiếp.

Sự việc xảy ra ở Đà Nẵng là một điển hình cho các địa phương khác có kế hoạch cân đối, điều chỉnh để chính sách thu hút nhân tài có hiệu quả hơn, tránh những rủi ro về tài chính cho cả địa phương lẫn người đi học. Sau Đà Nẵng, đến lượt UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định sẽ khởi kiện ra tòa đối với những người đã nhận các chế độ hỗ trợ đào tạo theo diện thu hút nhân tài nhưng không trở về phục vụ quê hương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm từ Đà Nẵng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.