Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vừa lo xây mới, vừa tránh “tụt chuẩn”

Thống Nhất| 26/11/2015 06:50

(HNM) - Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia sẽ đạt 65-70%. Đây là một trong 16 chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn này của Hà Nội, cho thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với sự nghiệp GD-ĐT


Tiếp tục gỡ khó cho hai tiêu chí

Một trong những kết quả nổi bật của ngành GD-ĐT trong giai đoạn 2010-2015 là hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ 50%, tương ứng với hơn 1.000 trường học được công nhận đạt chuẩn. Không phải ngẫu nhiên, tốc độ xây dựng trường chuẩn ở giai đoạn này đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với số lượng bình quân 118 trường/năm. Nhận thức việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ là mục tiêu của ngành, của chính quyền mà đã trở thành nhu cầu cấp thiết với từng trường học bởi ý nghĩa và tác động không nhỏ đối với chất lượng giáo dục.

Giờ học nhạc của học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên, một trong những trường chuẩn quốc gia tại quận Cầu Giấy.Ảnh: Bá Hoạt



Dù vậy, mục tiêu 65-70% số trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn tới thực sự không đơn giản. Thực tế cho thấy, những trường có nhiều thuận lợi đã được tập trung đầu tư và được công nhận trong giai đoạn vừa qua, số còn lại đều gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự quyết liệt hơn cả về chỉ đạo và đầu tư. Một trong những khó khăn cơ bản luôn khiến các trường và địa phương đau đầu là thiếu đất để mở rộng quy mô hoặc xây mới trường học. Ba Đình vừa xin nợ một trường trong kế hoạch xây dựng đạt chuẩn năm nay vào năm 2016. Kế hoạch năm 2016 của quận Đống Đa cũng khá dè dặt với chỉ tiêu đăng ký phấn đấu 2 trường. Nhiều đơn vị khác ở khu vực nội thành cũng gặp khó với tiêu chí này.

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong quá trình xây dựng trường chuẩn giai đoạn tới, Hà Nội tiếp tục cho phép các trường được điều chỉnh cách tính diện tích sử dụng thay cho diện tích mặt bằng để làm căn cứ xác định tiêu chí về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Sơn (Ban Quản lý dự án, Sở GD-ĐT Hà Nội) khuyến cáo, việc điều chỉnh này chỉ được áp dụng với các đơn vị khó khăn về quỹ đất để mở rộng quy mô, còn với những trường xây mới thì không được sử dụng giải pháp này.

Kinh phí là vấn đề sẽ tiếp tục được quan tâm trong những năm tới đây, đặc biệt ở các trường khu vực ngoại thành, bởi xuất phát điểm của các đơn vị nơi này thấp hơn so với mặt bằng chung. Huyện Mỹ Đức, một trong 5 huyện đang xếp ở nhóm cuối về tỷ lệ trường chuẩn của thành phố cho biết: Ngoài phần đầu tư của thành phố, huyện có Nghị quyết mỗi năm đầu tư cho giáo dục 20 tỷ đồng, nhưng do quy mô trường học của huyện khá lớn (76 trường), cơ sở vật chất của hầu hết các trường còn thiếu thốn, nên sẽ rất khó xoay sở. Một trong những giải pháp chung được kiến nghị là có cơ chế đặc thù và ưu tiên đầu tư cho những nơi khó khăn để tạo sự đồng đều giữa các địa bàn.

Để đạt mục tiêu có 65-70% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020, số trường cần phải được công nhận đạt chuẩn trong giai đoạn 2015-2010 là 350 trường. Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm xây dựng 70 trường đạt chuẩn. Riêng năm 2016, số trường trong chỉ tiêu kế hoạch đã đăng ký là 75 trường.

Mối lo "tụt chuẩn"

Song song với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia để đạt tỷ lệ 65-70% như Nghị quyết Đại hội đề ra, thực tế hiện nay tại các nhà trường trên địa bàn thành phố đặt ra yêu cầu không thể lơ là đối với những trường đã được công nhận đạt chuẩn. Đây không chỉ là nhiệm vụ nhằm duy trì và phát huy vai trò của trường chuẩn, mà còn là đòi hỏi từ thực tế để tránh mối nguy "tụt chuẩn", lãng phí trong đầu tư.

Ông Lê Ngọc Tôn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì cho biết việc phấn đấu hoàn thành 4 trường trong kế hoạch năm 2016 là sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, còn 17 trường đạt chuẩn từ năm 2009 trở về trước cần được đầu tư để công nhận lại rất khó khăn. Hiện mới có 2 trường đủ tiêu chuẩn được công nhận lại, rào cản chung của 15 trường còn lại là thiếu kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì kiến nghị thành phố có cơ chế giao bổ sung kinh phí thường xuyên cho những trường đã đạt chuẩn quốc gia, bởi hằng tháng, riêng kinh phí bảo dưỡng cho các trang thiết bị, phòng máy... đã chiếm phần lớn trong kinh phí chi thường xuyên của các trường, mà đây đều là những phần việc không thể không làm. Huyện Phú Xuyên cho rằng dù đã được hưởng cơ chế đặc thù của thành phố, nhưng cũng phải xoay sở đủ mọi cách để đạt chỉ tiêu 5 trường chuẩn của năm nay, còn 3 trường trong diện phải đầu tư để được công nhận lại đành chuyển sang kế hoạch năm 2016.

Theo kế hoạch, số trường thuộc diện cần công nhận lại (những trường đã đạt chuẩn từ năm 2009 trở về trước) trong năm 2015 là 293 trường. Tuy nhiên, số trường dự kiến hoàn thành phần việc này là 216 trường, còn lại 77 trường không hoàn thành được trong năm kế hoạch phải chuyển vào năm sau. Đây là một trong những thách thức không nhỏ đối với nhà trường và chính quyền, bởi sau mỗi năm, số lượng trường thuộc diện quá thời hạn (quy định của Bộ GD-ĐT là 5 năm) ngày càng tăng, đòi hỏi cần có giải pháp kịp thời để tránh bị "tụt chuẩn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa lo xây mới, vừa tránh “tụt chuẩn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.