Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Giáo dục lý giải cấp phép đào tạo Y Dược cho trường Kinh doanh - Công nghệ

Theo Hoàng Thùy/VnExpress| 26/11/2015 11:10

Bên cạnh các giải pháp đang áp dụng với tất cả trường, Bộ Giáo dục sẽ tính cơ chế kiểm soát chất đào tạo và đầu ra của ngành Y, Dược tại Đại học Kinh doanh - Công nghệ, quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.


- Đại học Kinh doanh - Công nghệ vừa được Bộ cho phép mở thêm ngành Y, Dược khiến người dân băn khoăn, bà nói gì về việc này?

Quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng.


- Cách đây 2 năm Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội đã làm hồ sơ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xin mở ngành Y, Dược nhưng đã bị từ chối vì lúc đó đang có chủ trương giảm đào tạo Y Dược ở các đại học đa ngành.

Trong thời gian trình hồ sơ lên Bộ Y tế, Đại học Kinh doanh - Công nghệ đã đồng thời xây dựng cơ ngơi gần 80 tỷ đồng, tuyển dụng đội ngũ giảng viên và trả lương từ đó đến nay.

Ý của họ là trường tư nhân, bỏ tiền ra đào tạo, đảm bảo đủ điều kiện thì tại sao lại không cho phép? Vì vậy, mới đây họ tiếp tục đề nghị Bộ Y tế và Giáo dục cho phép được đào tạo Y, Dược.

Vừa qua, sau khi các đơn vị chức năng của hai Bộ thẩm định thực tế, thấy trường đảm bảo đủ điều kiện giảng dạy, Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương của trường đại học này. Trên cơ sở xác nhận đảm bảo chất lượng của cơ quan quản lý ngành, Bộ Giáo dục cũng ra quyết định cho phép trường được giảng dạy Y Dược để thực hiện xã hội hóa giáo dục.

- Cuối năm 2014, Bộ Giáo dục có công văn thông báo dừng mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng ngành Y, Dược ở các trường đa ngành không chuyên, vậy tại sao lại cho phép Đại học Kinh doanh - Công nghệ?

- Trong công văn ngày 3/12/2014 gửi các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu rõ, nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng mở các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền trình độ đại học và ngành Dược trình độ đại học, cao đẳng ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y Dược.

Tuy nhiên, công văn cũng nói rõ những trường hợp cần thiết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số địa phương, vùng miền, Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Y tế sẽ xem xét, thẩm định các điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo trước khi quyết định cho mở ngành tại các đại học không chuyên ngành Y Dược.

Trường hợp của Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội không phải ngoại lệ, mà xét tình hình thực tế và dựa trên các điều kiện đảm bảo chất lượng mà trường đã chuẩn bị.

- Đầu vào các ngành Y, Dược tại các trường đào tạo chuyên Y khoa đang đứng vị trí rất cao. Cho phép một trường tư thục đào tạo Y khoa, Bộ tính đến phương án đảm bảo chất lượng đào tạo như thế nào?

- Vấn đề này Bộ Giáo dục cũng đã nghĩ đến. Đảm bảo chất lượng đào tạo là vô cùng quan trọng, vì vậy, bên cạnh các giải pháp kiểm soát đã thực hiện đối với tất cả trường đại học, Bộ sẽ tính đến cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo của hai ngành Y, Dược tại Đại học Kinh doanh - Công nghệ, đảm bảo đầu vào chất lượng, đầu ra đáp ứng được nhu cầu.

Công văn ngày 3/12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng các ngành Y, Dược thuộc khối không chuyên Y Dược.

Theo quy định, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nhân lực y tế được xác định theo số giảng viên hữu cơ quy đổi của từng ngành và các điều kiện đã được quy định để đảm bảo chất lượng, cơ sở đào tạo không được tuyển vượt con số đã xác định.

Thời gian qua, việc đào tạo ồ ạt ngành Y Dược ở nhiều trường đại học, cao đẳng không chuyên đã dẫn đến tình trạng thừa nhân lực ngành y tế, chất lượng đầu ra không đảm bảo, gây bức xúc cho người dân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Giáo dục lý giải cấp phép đào tạo Y Dược cho trường Kinh doanh - Công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.