Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí quyết của trí nhớ siêu phàm

Mai Chi| 13/04/2016 10:06

(HNMO) - Chỉ vài năm trước, nếu có người nói với Alex Mullen rằng hãy ghi nhớ cả bộ bài trong vòng 21,5 giây, anh ấy sẽ nghĩ điều đó thật nực cười. Khả năng ghi nhớ của Mullen không hề có gì đặc biệt, thậm chí là dưới mức trung bình.


Thời điểm hiện tại, Alex Mullen – một sinh viên khoa dược đại học Mississippi – đã được trao danh hiệu quán quân giải Trí nhớ siêu phàm thế giới.

Mulle chia sẻ về một cuốn sách mà anh đã đọc có tên gọi Phiêu bước cùng Einstein. Đây là tác phẩm của Joshua Foer, một nhà báo từng tham gia giải Trí nhớ siêu phàm nước Mỹ. Trong cuốn sách này, Foer thú nhận ban đầu ông nghĩ cuộc thi đó phải là “siêu cúp của các nhà bác học”. Trên thực tế, Foer nhận thấy có một nhóm người tham gia đã tự rèn luyện khả năng ghi nhớ của mình bằng các phương pháp cổ xưa. Sau khi thực hiện theo những phương pháp này, ông đã chiến thắng ở giải đấu được tổ chức sau đó vài năm.

Mullen đã được truyền cảm hứng từ câu chuyện của nhà báo Foer. “Tôi thực sự không hề có một trí nhớ tốt. Vào năm 2013, tôi bắt đầu tập luyện theo phương pháp mà Foer đã nhắc tới”. Một năm sau, Mullen về nhì ở giải Trí nhớ siêu phàm Mỹ. “Nhờ động lực ấy, tôi tiếp tục luyện tập và đạt ngôi vị quán quân Trí nhớ siêu phàm thế giới”.

Cuộc thi diễn ra vào tháng 12/2015 tại Quảng Châu, Trung Quốc và bao gồm 10 thử thách trí não. Một số vòng thi điển hình gồm ghi nhớ các con số trong 1 tiếng, ghi nhớ gương mặt trong 15 phút, hay ghi nhớ dãy nhị phân hàng trăm chữ số. Vòng thi cuối cùng luôn là ghi nhớ thẻ bài, tại đó các thí sinh sẽ cố gắng ghi nhớ nhiều quân bài nhất có thể.


Trước khi bước vào vòng cuối, Mullen đang xếp vị trí thứ hai. Anh ghi nhớ hết các quân bài trong vòng 21,5 giây – chỉ nhanh hơn 1 giây so với Yan Yang – người đang dẫn đầu cuộc thi. Nhưng chừng đó là đủ để Mullen đăng quang ngôi vô địch.

Hiện Mullen cũng là người nắm giữ kỷ lục thế giới về số lượng con số có thể ghi nhớ được trong vòng 1 tiếng: 3.029 con số. “Vài năm trước, tôi luôn nghĩ điều đó là không thể”. Mullen cũng đang giữ hơn một nửa trong tổng số các kỷ lục về trí nhớ của Mỹ.

Bước vào "cung điện ký ức"

Theo Mullen, tất cả mọi người đều có thể sở hữu một trí nhớ siêu phàm. Những gì bạn cần làm là tạo ra một “cung điện ký ức”.

Nếu đã từng đọc Sherlock Holmes, bạn sẽ biết rằng “cung điện ký ức” là một hình ảnh trong tưởng tượng hoặc một địa điểm có thật mà bạn đã rất quen thuộc. Đó có thể là ngôi nhà hay đường đi làm.

Để ghi nhớ được nhiều vật như các quân bài hay đồ tạp phẩm, bạn hãy đi dạo trong “cung điện ký ức” của mình và để mỗi thứ ở từng vị trí cụ thể.

Nhiều người cho rằng kỹ thuật này xuất phát từ nhà thơ Hy Lạp Simonides vào những năm 470 trước Công nguyên. Truyện kể rằng Simonides tham dự bữa tiệc của một quý tộc giàu có và keo kiệt. Giữa chừng, khi ông vừa bước ra ngoài để nhận một bức thư, trần nhà đột nhiên sập xuống khiến tất cả những người còn lại thiệt mạng.

Người thân của họ vô cùng tuyệt vọng bởi không thể nhận dạng được các thi thể đã bị biến dạng. Simonides liền nhớ lại vị trí ngồi của mình, và đột nhiên ông hình dung ra cảnh mình nói chuyện với các vị khách xung quanh. Simonides có thể nhận dạng các thi thể dựa theo vị trí mà ông nhìn thấy họ từ chỗ ngồi của mình. Sau sự kiện này, ông phát hiện ra cách tốt nhất để ghi nhớ một nhóm người, đồ vật hay hình ảnh là gắn chúng với các vị trí cụ thể.

Các nghiên cứu đối với những người từng đạt giải vô địch trí nhớ cho thấy không hề có sự khác biệt nào trong cấu trúc não bộ của họ so với những người khác.

Nhà hàng yêu thích của bạn là gì?

“Cung điện ký ức” có thể là bất kỳ nơi đâu – khách sạn, nhà hàng, công viên, đường đi làm hay chính ngôi nhà bạn sinh sống. Mullen chia sẻ: “Nếu ngồi lại và suy nghĩ một chút, bạn sẽ có hàng trăm sự lựa chọn về những địa điểm mà bạn quen thuộc”.


Các nhà vô địch trí nhớ thế giới đều có nhiều "cung điện" cho những đối tượng khác nhau mà họ muốn ghi nhớ - trong ngắn hạn hay dài hạn. Có nhiều sự vật, sự kiện không cần thiết phải đưa vào kho ký ức dài hạn. Và có những "cung điện" chỉ sử dụng cho một loại thông tin nhất định như các kiến thức khoa học, thông tin cá nhân và sở thích của người thân...

Một khi bạn đã đưa những hình ảnh ấy vào "cung điện ký ức", chúng sẽ được lưu trữ. Hay nói cách khác, nếu thực hiện đúng cách, bạn sẽ có những thông tin phù hợp khi cần sử dụng.

Trí nhớ siêu phàm không phải là một đặc quyền của bất cứ ai. Mọi người đều có thể sở hữu nó nếu thực sự kiên trì. Mullen chỉ luyện tập 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày trước khi bước vào cuộc thi. Nhưng thi đấu không phải là mục đích chính khiến mọi người mong muốn sở hữu một trí nhớ tốt. Có thể bạn không trở thành nhà vô địch thế giới, nhưng kỹ năng ấy sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí quyết của trí nhớ siêu phàm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.