Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án đuối nước bị… “đuối nước”

Thống Nhất| 24/04/2016 08:25

(HNM) - Liên tiếp các vụ trẻ em tử vong do đuối nước ở một số địa phương càng khiến các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh thêm lo ngại về sự thiếu hụt kỹ năng của học sinh (HS) đối với môn bơi, đặc biệt là khi kỳ nghỉ hè đang tới gần.

Dạy bơi cho học sinh tiểu học tại bể bơi huyện Thanh Trì.Ảnh: Mạnh Khánh


Trong khi đó, đề án thí điểm dạy bơi cho HS tiểu học đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2010, với mục tiêu hướng đến việc tổ chức dạy bơi đại trà cho HS, song thực tế ở nhiều nơi, đề án này vẫn nằm trên… giấy. Có người đặt câu hỏi: Phải chăng đề án đuối nước đáng bị ... "đuối nước".

Vẫn nằm trên giấy...

Cuối năm 2009, sau hàng loạt các vụ tai nạn đuối nước của HS ở nhiều vùng, miền, Bộ GD-ĐT đã chủ trì một cuộc hội thảo quốc gia với sự phối hợp của nhiều cơ quan trung ương và các địa phương bàn thảo, thống nhất đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro về đuối nước cho HS.

Tại Văn bản số 664/BGDĐT-CTHSSV ngày 9-2-2010 gửi các Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT xác định, việc đưa môn bơi vào dạy trong nhà trường là một trong những giải pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để hạn chế và giảm thiểu tử vong do đuối nước gây ra với HS. Mục tiêu được đưa ra là, chậm nhất đến năm học 2014-2015, các Sở GD-ĐT phải xây dựng được mô hình dạy bơi thí điểm trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp. Theo lộ trình, đối tượng tổ chức dạy bơi là HS tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng cho HS khối lớp 3 và lớp 5; bắt đầu triển khai tại các trường có điều kiện thuận lợi, sau đó nhân rộng, hướng đến việc tổ chức dạy bơi đại trà cho HS tiểu học.

Thời gian tổ chức dạy bơi là vào dịp hè và các ngày nghỉ trong tuần, hoặc có thể lồng ghép vào chương trình giáo dục thể chất. Thế nhưng, 5 năm đã trôi qua, đề án vẫn… nằm trên giấy. Chưa có một giải pháp nào được triển khai bài bản, thống nhất tại các địa phương; chưa có một cơ chế hỗ trợ hay định hướng tổng thể nào từ phía Bộ GD-ĐT về việc này, ngoài việc ban hành văn bản nhắc nhở các địa phương tăng cường phòng, chống đuối nước hằng năm hoặc mỗi khi có tai nạn đuối nước liên quan đến HS. Bộ GD-ĐT cũng chưa có sự kiểm tra, giám sát, tình hình triển khai tại địa phương ra sao để tổng kết, rút kinh nghiệm.

Tại các địa phương, việc dạy bơi cho HS chủ yếu phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền, ngành Giáo dục, gia đình. Tuy nhiên, ngay tại Hà Nội, số bể bơi công cộng còn thiếu, chứ chưa nói tới bể bơi trong trường học. Tình trạng phụ huynh nhờ vả, chen chân để mua được cho con tấm vé bơi là chuyện thường thấy mỗi khi hè về. Rõ ràng, trong khi các cơ quan chức năng vẫn loay hoay với những mục tiêu, giải pháp tìm cách phổ cập bơi cho HS, thì nhiều vụ đuối nước bởi những lý do vô cùng đáng tiếc vẫn xảy ra ở một số nơi, nhất là vào dịp đầu mùa hè.

Địa phương "tự bơi"

Sau vụ 9 HS tại Quảng Ngãi chết đuối, ngày 21-4, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai những biện pháp phòng, tránh đuối nước cho HS, đồng thời quan tâm xây dựng bể bơi tại trường hoặc cụm trường để phục vụ HS học bơi, hạn chế tình trạng HS bị đuối nước.

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, đây không phải là những yêu cầu mới, song để thực hiện được không đơn giản. Các địa phương đều tự tìm cách xoay xở để có thể đáp ứng phần nào nhu cầu biết bơi của HS. Ông Nguyễn Hữu Bính, chuyên viên phụ trách công tác giáo dục thể chất, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Sau khi có đề án phổ cập bơi của Bộ GD-ĐT, Hà Nội cũng triển khai dạy bơi cho HS, nhưng sau 3 năm vẫn chỉ dừng ở mức độ thí điểm, chưa thể nhân rộng bởi điều kiện cơ sở vật chất khó khăn. Hiện tại mới chỉ có huyện Thanh Trì sử dụng nguồn ngân sách xã hội hóa xây dựng được 15 bể bơi cự ly 25 mét ở 15 trường học, đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi cho HS tiểu học.

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết, đã từng tham khảo mô hình bể bơi trong trường học ở nhiều nơi, song không thể xây dựng được, bởi cả 49 trường công lập trên địa bàn quận đều hạn chế về cơ sở vật chất, việc đáp ứng diện tích phục vụ học tập, sinh hoạt cho HS đã là một sự cố gắng rất lớn. Còn Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết: Với sự đầu tư của UBND quận, hiện có 2/8 trường mầm non trên địa bàn có bể vầy. Thuận lợi của Tây Hồ là trên địa bàn có 4-5 bể bơi, tạo nhiều cơ hội cho HS có nhu cầu, trong đó có bể bơi hằng năm đều tổ chức dạy bơi miễn phí...

Vấn đề đặt ra, tổ chức cho HS học bơi ở đâu khi mà số lượng bể bơi công cộng rất hạn chế, mỗi quận, huyện thường chỉ có 1-2 bể bơi, thường ưu tiên cho mục đích kinh doanh. Trước thực trạng như vậy, việc phối hợp với trung tâm TDTT để tổ chức cho HS học bơi là giải pháp được cho là hữu hiệu. HS quận Ba Đình có thể học bơi tại Trung tâm TDTT quận hoặc tại Trường Thể thao thiếu niên 10-10. Dù chưa thực sự lý tưởng cho mọi phụ huynh có nhu cầu gửi con học bơi, nhưng đây vẫn là một vài địa điểm hiếm hoi còn tổ chức dạy bơi cho HS.

Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ và Trung tâm TDTT quận vừa ký kết kế hoạch liên tịch về việc tổ chức cho HS học bơi dịp hè 2016. Trưởng Phòng GD-ĐT quận Lê Hồng Vũ cho biết thêm, sắp tới Tây Hồ sẽ tổ chức khảo sát, lập danh sách HS chưa biết bơi tại từng trường, sau đó em nào có nhu cầu học bơi thì chỉ phải đóng một khoản tiền nhỏ hỗ trợ giáo viên dạy bơi. Các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm… đang tính việc thí điểm đặt bể bơi thông minh tại trường học theo hình thức xã hội hóa, nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho HS được học bơi.

Để đạt mục tiêu phổ cập dạy và học bơi cho trẻ mầm non và HS phổ thông vào năm 2020 như Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đặt ra, có lẽ phải cần đến một "trọng tài" để chỉ đạo, điều tiết mọi hoạt động của các đơn vị liên quan nhằm tạo sự phối hợp nghiêm túc, có trách nhiệm trong việc phổ cập bơi cho HS. Nếu cứ để đề án loay hoay trên bàn giấy, chắc chắn, những ca đuối nước vì thiếu kỹ năng bơi như hiện nay sẽ chưa dừng lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề án đuối nước bị… “đuối nước”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.