Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Thống Nhất| 30/05/2016 07:38

(HNM) - Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đang là mối quan tâm chung của toàn xã hội, nhất là tại các trường học, nơi có các bếp ăn bán trú phục vụ học sinh (HS) hằng ngày. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề ATTP đối với sức khỏe của học trò, trong những năm gần đây, việc bảo đảm ATTP được ngành Giáo dục coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và quan trọng không kém việc dạy học.

Một bữa ăn trưa tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy.Ảnh: Thái Hiền


Những chuyển biến tích cực

Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.700 trường học, hơn một nửa số này có bếp ăn bán trú. Thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy số lượng suất ăn được cung cấp hằng ngày cho HS trên địa bàn thành phố hiện nay là khoảng 1,4 triệu suất. Trong đó, mầm non và tiểu học là hai cấp học có số lượng HS ăn tại trường nhiều nhất. Để phục vụ HS ăn bán trú, các nhà trường hoặc tự tổ chức nấu ăn, hoặc ký hợp đồng với cơ sở dịch vụ ăn uống đáp ứng nhu cầu ăn trưa của HS tại trường.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết: Trừ cấp mầm non, hằng ngày mỗi trường học trên địa bàn có 60 - 70% HS ăn bán trú. Toàn quận có 8 trường tổ chức bếp ăn bán trú, gồm cả tự nấu và phối hợp với cơ sở dịch vụ ăn uống để phục vụ suất ăn cho HS. Dù bằng hình thức nào thì yêu cầu bắt buộc đối với mỗi suất ăn đều phải bảo đảm các quy định về vệ sinh ATTP. Phòng GD-ĐT thường xuyên kiểm tra quy trình quản lý, tổ chức bữa ăn tại trường, song thực tế vẫn chưa thực sự yên tâm, chủ yếu về nguồn gốc thực phẩm, giá thực phẩm...

Thông tin từ các Phòng GD-ĐT cho biết, để bảo đảm ATTP cho các bếp ăn bán trú trong trường học, đầu năm học, Trung tâm Y tế trên địa bàn đều phối hợp với Phòng GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện quy định về ATTP, hướng dẫn việc chọn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm… Hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành Y tế - Giáo dục đều tổ chức kiểm tra tại 100% các trường học. Nhờ đó, công tác vệ sinh ATTP tại trường học, bảo đảm sức khỏe HS ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra cũng cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu tâm, trong đó có việc quản lý nguồn gốc chất lượng thực phẩm. Cụ thể, có tới 10-12% số trường được kiểm tra chưa xuất trình được hóa đơn nguồn gốc thực phẩm (rau, thịt…); 7% số trường chưa xuất trình được giấy kiểm dịch thịt gia súc, gia cầm; 20% số trường chưa lưu hồ sơ công bố sản phẩm của nhà cung cấp, phiếu kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm… Ngoài ra, nhiều nơi còn chưa tuân thủ quy định về bảo đảm ATTP như thiếu dụng cụ chuyên dùng khi chế biến, bảo quản; lưu mẫu thực phẩm chưa đủ quy trình; để lẫn thực phẩm sống, chín; trang phục của nhân viên chế biến chưa bảo đảm…

Siết chặt quản lý, kiểm tra

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định từ đầu năm 2016 đến nay, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP tại các trường học trên địa bàn thành phố cơ bản được triển khai nghiêm túc; các bếp ăn bán trú trong trường học chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra liên ngành cũng cho thấy bếp ăn bán trú còn tiềm ẩn không ít nguy cơ, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, thường xuyên hơn nữa trong công tác quản lý, kiểm tra tại cơ sở.

Minh chứng cho sự quyết tâm ấy là ngày 25-5 vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản nhắc nhở các Phòng GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, bảo đảm ATTP trong dịp hè năm 2016. Bởi dù là kỳ nghỉ hè, nhưng các trường mầm non trên địa bàn thành phố gần như vẫn hoạt động bình thường. Điều kiện thời tiết mùa hè cùng với những nguy cơ tiềm ẩn về mất vệ sinh ATTP len lỏi vào nhà trường đòi hỏi các đơn vị phải coi trọng việc thực hiện đúng các quy định bảo đảm ATTP, với mục tiêu tuyệt đối không để HS nào bị ngộ độc thực phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống, yêu cầu bắt buộc đối với từng trường học dịp này là thực hiện nghiêm túc việc ký kết hợp đồng, trong đó có thỏa thuận chặt chẽ về nguồn gốc thực phẩm, nước uống ở những cơ sở đủ điều kiện ATTP; thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, giá thực phẩm của các nhà cung ứng, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện ATTP cung ứng thực phẩm cho nhà trường.

Từ vụ việc một đơn vị cung cấp sản phẩm mang danh rau an toàn nhưng lại thu gom rau bẩn để đóng gói được phanh phui thời gian qua đã cho thấy công tác kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, đột xuất, chứ không chỉ tin vào giấy chứng nhận. Đặc biệt, sự chung tay vào cuộc của phụ huynh, của cộng đồng trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP trong nhà trường là vô cùng quan trọng.

Ngành GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết từ nay tới đầu năm học mới 2016-2017, Phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai xây dựng mô hình điểm bếp ăn bảo đảm ATTP theo từng cấp học. Đây là điểm mới của Hà Nội trong việc tăng cường bảo đảm quy định về vệ sinh ATTP trong các trường học, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực trong việc bảo đảm sức khỏe cho HS, góp phần quan trọng để các em phát triển toàn diện. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.