Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng cho công tác xét tuyển

Quỳnh Phạm| 19/07/2016 06:56

(HNM) - Các cụm thi tốt nghiệp THPT quốc gia trên cả nước đã hoàn thành công tác chấm thi và chuyển kết quả về Bộ GD-ĐT để khớp dữ liệu. Trong lúc chờ công bố điểm thi để bắt đầu xét tuyển (từ ngày 1-8), các trường ĐH, CĐ tiếp tục hoàn thiện lần cuối phương án tuyển sinh riêng để sẵn sàng cho công tác xét tuyển.


Có 2 nhóm xét tuyển chung

Thời điểm này, có 2 nhóm trường đã được thành lập để cùng tuyển sinh là nhóm do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì và nhóm do ĐH Đà Nẵng chủ trì. Nhóm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức chốt số thành viên là 12, bao gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, ĐH Thăng Long, Học viện Ngân hàng và Học viện Chính sách và Phát triển.

Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ban chỉ đạo tuyển sinh của nhóm, các tiểu ban chuyên môn, tiểu ban kỹ thuật đã được thành lập để thực hiện công tác tuyển sinh của nhóm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác như phần mềm, máy chủ, hệ thống mạng… Nhóm này, được gọi là G12, sẽ chỉ thực hiện việc xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi quốc gia 2016 tại các cụm thi trên cả nước do các trường ĐH chủ trì. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó. Nhóm sẽ công bố thông tin về mức chênh lệch điểm chuẩn trúng tuyển giữa các tổ hợp môn xét tuyển vào một ngành của một trường để thí sinh biết trước khi đăng ký xét tuyển. Sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển vào mỗi trường thuộc nhóm sẽ được công bố trên website của trường đó.

Thành viên của nhóm ĐH Đà Nẵng có 9 trường, phân hiệu, khoa và viện. Giám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam lưu ý thí sinh: Trước hết, số trường được đăng ký tối đa trong đợt một là 4 trường, trong các đợt bổ sung là 6. Trong các đợt xét bổ sung, thí sinh cần chú ý chỉ đăng ký vào những ngành có xét tuyển bổ sung. Đối với một trường, thí sinh chỉ được đăng ký tối đa vào 2 ngành. Thí sinh chọn 1 trong 2 hình thức đăng ký xét tuyển là đăng ký trực tuyến hoặc nộp qua đường bưu điện. ĐH Đà Nẵng không nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp. Tất cả các nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển đều được đăng ký vào 1 phiếu duy nhất. Đối với các ngành có môn thi năng khiếu như kiến trúc, giáo dục mầm non, sư phạm âm nhạc thì ĐH Đà Nẵng là nơi tổ chức các môn thi năng khiếu.

Thêm điều kiện để lọc hồ sơ

Mặc dù tuyển sinh theo nhóm song thí sinh cần lưu ý, trong số các trường thành viên nhóm G12, một số trường vẫn có những điều kiện xét tuyển riêng để sàng lọc hồ sơ. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu thí sinh không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống. Tổng điểm trung bình của các môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên (điều kiện này không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ CĐ chính quy của trường lên ĐH). Điểm xét trung bình tính từ kết quả thi của tổ hợp 3 môn xét tuyển cũng không được thấp hơn 6,0. Đối với một nhóm ngành của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển bằng nhau cho tất cả các tổ hợp môn xét tuyển. Do đó, thí sinh chỉ đăng ký một tổ hợp môn xét tuyển có kết quả thi cao nhất.

Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu thí sinh có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên, điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết điều kiện nhận hồ sơ là điểm ba môn thi của tổ hợp môn xét tuyển phải cao hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD-ĐT ít nhất 2 điểm.

Tại Trường ĐH Xây dựng, với các ngành có nhiều chuyên ngành, thí sinh phải đăng ký chuyên ngành khi đăng ký xét tuyển.

Tùy vào đặc thù đào tạo và yêu cầu về chất lượng đầu vào, các trường bên ngoài nhóm G12 cũng đưa ra điều kiện riêng. Năm nay, để được nhận hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp đăng ký xét tuyển (không nhân hệ số) và điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 16,0 điểm trở lên, kèm theo đó là hạnh kiểm khá và một số tiêu chí phụ (tùy vào từng ngành). Ví dụ, ngành Sư phạm yêu cầu thí sinh không nói ngọng. Để đăng ký xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong ba năm THPT từ 6,0 trở lên và có hạnh kiểm khá trở lên. Riêng ngành Báo chí sẽ tổ chức thi môn năng khiếu báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng cho công tác xét tuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.