Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu mừng cho cơ cấu nhân lực?

Khánh Vũ| 22/07/2016 05:47

(HNM) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 đã ghi nhận một số lượng lớn thí sinh (TS) - trên 292.000 em (chiếm 32% tổng số TS) - thi tại các cụm thi địa phương chỉ lấy điểm để xét tốt nghiệp chứ không xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Xu hướng đáng mừng

Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2016 có 800.000 TS lớp 12 đăng ký thi THPT quốc gia, trong đó số đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp lên tới trên một phần ba với 292.000 em. Trong khi đó, năm 2015 tổng số học sinh lớp 12 là 871.000, có 279.000 em chỉ đăng ký xét tốt nghiệp. Như vậy, năm nay dù số thí sinh giảm hơn 71.000 em nhưng tỷ lệ đăng ký chỉ xét tốt nghiệp lại tăng 5% so với năm trước.

Thí sinh cần lựa chọn, cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn trường nộp hồ sơ. Ảnh: Bá Hoạt


Địa bàn Hà Nội có số hồ sơ đăng ký dự thi lớn nhất cả nước với hơn 76.000 TS. Trong đó, số TS đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp là 16.390, tăng so với 11.000 TS năm 2015, chiếm đến 21,5% tổng số TS đăng ký dự thi. Một số địa phương khác ghi nhận tình huống tương tự. Tỉnh Hòa Bình có 8.100 TS đăng ký dự thi nhưng có trên 5.600 TS đăng ký thi để lấy kết quả công nhận xét tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 70%, tăng hơn 10% so với năm ngoái. Tương tự, tỷ lệ này ở Vĩnh Phúc là 67,1%, Lào Cai là hơn 50%, Nghệ An hơn 44%. Tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường ở vùng sâu, vùng xa tỷ lệ TS chỉ thi xét tốt nghiệp lên tới 90% - 100%.

Những con số này càng đáng chú ý hơn khi liên hệ với những thông tin mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH: Tính đến hết tháng 3-2016, cả nước có khoảng 1,072 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp với 441 nghìn lao động chuyên môn kỹ thuật, trong đó hơn 191 nghìn người có trình độ từ ĐH trở lên. Thống kê cũng cho thấy bất cập lớn trong cơ cấu lao động nước ta hiện nay như số công nhân lành nghề chiếm tỷ lệ thấp, còn số lao động có trình độ ĐH, CĐ trở lên lại quá nhiều trong khi cơ cấu hợp lý phải ngược lại, theo hình chóp, trình độ càng cao thì ở vị trí có số lượng càng ít. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp lớn còn bởi chất lượng đào tạo thấp, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hoặc đào tạo không theo nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, việc vào ĐH khá dễ dàng khiến ít người có định hướng học nghề.

Vì vậy, với kết quả đăng ký thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã nhận xét rằng, việc giảm số học sinh chọn ĐH là bước phát triển hợp lý, tín hiệu đáng mừng cho thấy các em đã có xu hướng cân nhắc, lựa chọn dựa trên cơ sở năng lực bản thân và hoàn cảnh gia đình. Các trường THPT cũng có đóng góp vào xu hướng này với công tác tư vấn, định hướng cho TS. Ở góc độ địa phương, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho rằng, tỷ lệ TS dự thi chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp tăng so với năm trước cho thấy học sinh và phụ huynh đã có sự xác định về khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn trong tương lai. Điều này là đáng mừng bởi Hà Nội là thành phố lớn, tâm lý người dân cho con em học ĐH, CĐ chịu chi phối bởi nhiều yếu tố.

Chọn lối dễ đi?

Bên cạnh các đánh giá tích cực, phải nhìn nhận một thực tế là thí sinh không cần tham gia thi ở các cụm xét tuyển ĐH, nhưng đỗ tốt nghiệp, vẫn có cơ hội vào ĐH. Đó là bởi có hàng trăm trường ĐH, CĐ trong tổng số 400 trường xét tuyển bằng kết quả theo học bạ 3 năm THPT. Điều kiện đầu vào thường chỉ cần điểm trung bình 3 môn xét tuyển đạt 5,5-6 điểm. Nhiều trường dành chỉ tiêu khá lớn, lên tới 80%, cho đối tượng này bên cạnh phương thức xét bằng điểm thi tại các cụm xét tuyển ĐH. Chưa kể, những TS thi tại các cụm ĐH mà không đủ điểm xét vào các trường như ý muốn, vẫn có thể có tấm vé thứ hai vào ĐH nhờ kết quả học bạ.

Như vậy, mặc dù có tín hiệu đáng mừng, song hiệu quả phân luồng vẫn khó có thể được khẳng định bởi tỷ lệ TS không tham gia các cụm thi ĐH. Hơn nữa, cũng khó tránh khỏi hiện tượng TS chọn cụm thi chỉ xét tốt nghiệp như một "con đường dễ đi" bởi tâm lý tại các cụm thi địa phương sẽ “dễ thở” hơn các cụm do trường ĐH chủ trì. Lãnh đạo của một trường ĐH cho rằng, tác động thật sự của sự thay đổi này chỉ có thể được xác định sau khi số lượng TS vào các cơ sở dạy nghề tăng lên đồng thời với chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ ngừng tăng hằng năm.

Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ cũng nhận định: Dù lượng TS lựa chọn vào ĐH giảm nhiều và nhận thức của xã hội đang dần có sự thay đổi trong đánh giá về bằng cấp, song Bộ GD&ĐT vẫn cần cải thiện việc phân luồng học sinh, sao cho số học tiếp ĐH chiếm khoảng 40 - 50%, số còn lại theo hướng học nghề. Còn ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ cho rằng, mỗi quốc gia có đặc điểm kinh tế, xã hội khác nhau, vì vậy cần xác định được nền giáo dục của mình đi theo hướng nào để có thể phân luồng một cách tổng thể thay vì chắp vá. Việc này cần được thực hiện sớm để học sinh xác định được nghề nghiệp tương lai chứ không chỉ theo mãi một con đường lên ĐH để rồi thất nghiệp. Ông Lê Viết Khuyến đưa ra ví dụ, ở Đài Loan, chỉ có 1/3 số học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT; số còn lại theo hướng học nghề. Như vậy, cơ cấu ngành nghề của xã hội cân bằng được nguồn lực với tỷ lệ hợp lý giữa lao động tri thức, nghiên cứu và lực lượng lao động nghề.

Phổ điểm trung bình từ 4,5 đến 6 điểm

(HNM) - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, đã công bố những thống kê sơ bộ về phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016. Theo đó, cả nước có 852.983 TS dự thi môn toán, chỉ 8 TS đạt điểm 10. Số bài thi ở tất cả các môn đạt điểm từ 9 đến 10 là 17.000 bài, thấp hơn nhiều so với 37.000 bài của năm 2015; trong đó, chỉ 100 bài thi đạt điểm 10, bằng 25% so với năm ngoái. Tuy nhiên, với 19.000 bài thi bị điểm liệt (dưới 1 điểm) trên cả nước, số điểm liệt đã giảm mạnh. Phổ điểm trung bình của các môn là từ 4,5 đến 6 điểm, không chênh lệch so với năm ngoái, chỉ biến động nhẹ ở từng môn. Riêng môn ngoại ngữ điểm trung bình là 3,3 điểm.

Theo Bộ GD&ĐT, qua phân tích phổ điểm cho thấy năm 2016, đề thi các môn đã có sự phân hóa tốt cho các đối tượng TS để thi đạt kết quả tốt nghiệp THPT cũng như để lấy kết quả xét tuyển ĐH. Đặc biệt, việc lựa chọn các môn thi tự chọn cho thấy TS đã có sự tính toán phù hợp để bảo đảm kết quả thi tốt nhất. Dự kiến đầu tuần sau, Bộ sẽ công bố phổ điểm và căn cứ vào đó đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.

Quỳnh Phạm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu mừng cho cơ cấu nhân lực?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.