Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động chất lượng đào tạo đại học

Khánh Vũ| 13/09/2016 08:19

(HNM) - Trong cuộc họp báo trước thềm khai giảng vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá: Sau 30 năm đổi mới, chất lượng giáo dục có đi lên, nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì chưa đạt. Trong đó, đáng báo động nhất là chất lượng giáo dục đại học (ĐH) khi nguồn nhân lực đào tạo ra chưa


Vênh giữa đào tạo và tuyển dụng

Thống kê mới nhất cho thấy, quý II năm 2016 cả nước có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý I năm 2016. Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể là 191.300 người có trình độ từ ĐH trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng (CĐ) chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Tình trạng người lao động đã qua đào tạo thất nghiệp ngày càng tăng đã diễn ra trong nhiều năm. Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội nói rõ hơn: Hiện chúng ta đang thừa lao động ở nhóm ngành mà thị trường ít nhu cầu như Ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế, nhưng lại đang thiếu kỹ sư công nghệ, kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật. Thực tế đã cho thấy đang có độ vênh giữa công tác đào tạo và nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động.

Giờ tin học của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt



Trong một cuộc gặp gỡ hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của giáo dục ĐH đang khiến cho sản phẩm của quá trình đào tạo không đáp ứng được nhu cầu, nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo. Theo đó, trước tiên là những bất cập trong quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Chương trình đào tạo chậm đổi mới. Một số trường gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên trình độ cao còn thiếu. Cơ sở vật chất phân tán, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Khả năng hội nhập quốc tế chưa cao, chưa có nhiều chương trình đào tạo được quốc tế công nhận. Quản trị ĐH chưa theo kịp xu thế của khu vực và quốc tế, đặc biệt chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật, ông Furuta Motoo, từng là Hiệu trưởng Trường Đại cương và Phó Giám đốc Thường trực ĐH Tokyo, một người tâm huyết với giáo dục ĐH Việt Nam cũng đã đề cập đến những hạn chế mà ông mong muốn khắc phục trong cương vị của mình: Nhược điểm của nền giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay là còn coi trọng giáo dục chuyên môn hẹp và còn yếu khi xây dựng tầm nhìn rộng, tầm nhìn xa cho sinh viên. Trước đây việc nghiên cứu khoa học và đào tạo ĐH còn bị tách riêng. Quan niệm này không phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay bởi một trường ĐH muốn được xếp hạng cao phải có sự kết hợp cả nghiên cứu và đào tạo. Ngoài ra, nội dung đào tạo của ĐH Việt Nam vẫn nặng tính lý thuyết, sinh viên ít được tham gia hoạt động thực hành.

Khuyến khích nhập khẩu chương trình đào tạo

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, những hạn chế nói trên cần sớm được khắc phục để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, cương quyết khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để có thể làm việc ngay hoặc tự sáng nghiệp.

Để có được chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển, Bộ GD-ĐT xác định sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tự chủ. Nhiều hiệu trưởng đã từng đề xuất Bộ giao quyền tự chủ 100% cho các trường tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh... Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đồng ý với đề xuất này về nguyên tắc với điều kiện các trường phải bảo đảm chất lượng đào tạo. “Tôi khuyến khích các trường ĐH, CĐ, TCCN nghiên cứu chọn lựa chương trình tốt của nước ngoài để nhập khẩu đào tạo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các trường sẽ phải thay đổi cách giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp, không chỉ dạy những gì mình có, mà phải dạy thứ thị trường cần. Mặt khác, bắt buộc phải tạo được nền tảng nghiên cứu xứng đáng mang danh ĐH. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sẽ có một số ít ĐH lớn đi theo định hướng nghiên cứu, phần lớn còn lại phát triển theo định hướng ứng dụng và thực hành. Bộ GD-ĐT sẽ củng cố trung tâm dự báo nghề nghiệp, thị trường lao động làm cơ sở cho các trường tham khảo trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề.

Theo quan điểm này, Bộ GD-ĐT đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp như một giải pháp cho tình trạng thất nghiệp của cử nhân ĐH, CĐ. Điều đáng chú ý ở mô hình này là sinh viên được thực tập ở doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất, với thời lượng thực tập tăng dần tới năm thứ ba . Lãnh đạo các trường cho biết, điểm khác biệt của các chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp so với các chương trình truyền thống là sự tham gia mật thiết của các nhà tuyển dụng vào quá trình phát triển chương trình và đào tạo.

Kiểm định chất lượng cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên mà Bộ GD-ĐT sẽ tập trung xây dựng trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng các tiêu chí kiểm định chất lượng của hệ thống giáo dục đại học ASEAN cho phù hợp với Việt Nam. Bởi “chất lượng giáo dục đại học có thể thấp, có thể thiếu, nhưng không được lạc điệu”, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Bộ sẽ đặt ra yêu cầu bắt buộc phải đăng ký các tiêu chí, nếu không đăng ký thì sẽ có các chế tài dừng tuyển sinh. Các tiêu chí kiểm định công khai, minh bạch cũng chính là cơ sở để phân tầng, xếp hạng hệ thống các trường, xác định rõ một số trường ĐH lớn đi theo định hướng nghiên cứu, các trường khác sẽ đi theo hướng ứng dụng thực hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động chất lượng đào tạo đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.