Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cử nhân thất nghiệp - Gia tăng đáng báo động

Kim Vũ| 27/09/2016 07:11

(HNM) - Theo số liệu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Tổng cục Thống kê vừa công bố, quý II-2016 có 1,088 triệu lao động (LĐ) thất nghiệp, tăng 16.400 LĐ so với quý I-2016. Đáng chú ý là có tới 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng).

Hội chợ việc làm quận Long Biên thu hút đông đảo lao động. Ảnh: Bá Hoạt



Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, thị trường đang dư thừa LĐ Ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế và thiếu các kỹ sư công nghệ, chuyên Ngành Kỹ thuật. Hiện cả nước có 53,24 triệu người có việc làm, giảm hơn 50.000 người so với quý I-2016 và đi kèm với nó là có 16.400 người không có việc làm, nâng tổng số người thất nghiệp lên gần 1,1 triệu LĐ.

Dù con số trên chưa phản ánh đúng thực tế thị trường LĐ nhưng ở góc độ thống kê đã phản ánh thực tế của thị trường LĐ vốn thiếu bền vững. Nếu xét theo trình độ đào tạo, nhóm LĐ có số người thất nghiệp nhiều nhất thuộc về những người có trình độ đại học trở lên với 191.300 người, sau đó mới là nhóm cao đẳng chuyên nghiệp với 94.800 người và trung cấp chuyên nghiệp có 59.100 người. Theo ông Doãn Mậu Diệp, có lẽ chưa bao giờ tỷ lệ cử nhân thất nghiệp nhiều và đáng báo động như hiện nay. Có nhiều nguyên nhân khiến nhóm này dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm, nhưng nguyên nhân quan trọng là do các em thiếu sự định hướng khi chọn nghề, chọn ngành học. Những năm trước, nhiều học sinh đã theo trào lưu đăng ký học nhóm ngành thời thượng như kinh tế, tài chính, ngân hàng, sư phạm… trong khi đó khả năng nắm bắt xu thế của các em không có; khả năng phát triển các kỹ năng mềm, kiến thức nền tảng quá yếu nên không thể tìm được việc khi tham gia phỏng vấn trực tiếp. Chưa kể trong vài năm vừa qua, kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện tinh giản bộ máy, sắp xếp lại nhân sự... do đó phải là những người thực sự giỏi, tâm huyết với nghề mới có cơ hội có việc làm. Đây là lý do khiến nhiều LĐ dù được cấp bằng với trình độ cao, thậm chí bằng khá, giỏi nhưng cánh cửa việc làm vẫn chưa thể mở ra được với họ.

Không tìm được việc làm với những ngành nghề theo đuổi tại các trường đại học, nhiều LĐ đã buộc phải tìm cho mình một con đường mưu sinh mới, thậm chí "ngược dòng" bằng cách... đi học nghề, như trường hợp em Trần Thị Xuân, 26 tuổi, cựu sinh viên Đại học Lao động xã hội, tốt nghiệp bằng khá, nhưng ra trường 4 năm nay vẫn chật vật không tìm được việc đúng chuyên ngành kế toán. Hiện Xuân làm việc tại một nhà hàng ăn uống trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội và tranh thủ học thêm khóa học pha chế đồ uống với dự định mở một cửa hàng cà phê làm kế sinh nhai. Hoặc như trường hợp Trần Tuấn Anh, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bách khoa năm 2011, nhưng năm lần bảy lượt nộp hồ sơ xin việc đều bị từ chối do doanh nghiệp không có nhu cầu. Cực chẳng đã, Tuấn Anh phải vừa đi gia sư buổi tối cho học sinh cấp 1, vừa theo học khóa sửa chữa điện thoại. Đến nay, Tuấn Anh mở một cửa hàng sửa điện thoại và đã nhìn thấy một hướng đi mới cho con đường nghề nghiệp riêng của mình.

Theo nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học Lao động xã hội, hằng năm, 3/4 số học sinh tốt nghiệp phổ thông đều tập trung vào giáo dục đại học. Điều này không phù hợp với một đất nước có thu nhập trung bình như Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào phân khúc bậc trung như cao đẳng, trung cấp nghề. Hiện số LĐ đạt trình độ đại học trở lên chiếm hơn 40% tổng số LĐ có trình độ chuyên môn nhưng thị trường chỉ cần khoảng 20% đối với nhóm này. Nói về điều này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm LĐ có trình độ và tỷ lệ LĐ làm việc không phù hợp với trình độ đào tạo, đã cảnh báo rõ nét sự mất cân đối cung cầu của thị trường LĐ. Các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh lãng phí nguồn lực cũng như tạo sự chuyển biến trong xã hội về nhận thức chọn ngành nghề, công việc trước và sau khi đào tạo. Việt Nam sắp tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu chất lượng LĐ không được cải thiện, lao động Việt Nam sẽ thua trên sân nhà và mất việc làm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây cũng là bài toán cho các cơ quan quản lý trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và đào tạo nghề cũng như cơ sở dạy nghề trong việc xây dựng chiến lược về chất lượng đào tạo để dạy những nghề xã hội cần chứ không chỉ dạy theo những gì mình có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cử nhân thất nghiệp - Gia tăng đáng báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.