Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực phẩm “sạch” khó vào học đường

Tiến Thành| 28/09/2016 07:19

(HNM) - Nhằm đưa thực phẩm an toàn, đạt chuẩn vào các bếp ăn trường học tại TP Hồ Chí Minh, từ tháng 5-2016, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố tổ chức kết nối các đơn vị sản xuất nông nghiệp an toàn và các trường học có bếp ăn bán trú.


Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn tại TP Hồ Chí Minh hiện rất lớn, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học. Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có gần 1,7 triệu học sinh các cấp đang theo học tại gần 2.000 trường. Để phục vụ suất ăn cho số học sinh trên là hơn 2.800 cơ sở dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, căng tin, đơn vị nấu suất ăn sẵn) cung cấp thực phẩm hằng ngày.



Dù nhu cầu lớn, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống nhiều, nhưng không phải trường nào cũng được sử dụng thực phẩm “sạch”. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học của TP Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra 2 vụ ngộ độc trong trường học khiến 98 học sinh mắc. Tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học trước hết là do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh (chiếm 52%); do sử dụng các thực phẩm không an toàn chiếm 24% số vụ ngộ độc thực phẩm… Một nguyên nhân quan trọng gây ngộ độc là do giá thực phẩm ngày càng tăng, trong khi giá suất ăn còn thấp khiến các cơ sở nấu ăn mua những nguyên liệu rẻ tiền, chất lượng kém, không an toàn.

Nhận thấy mối nguy hại từ những thực phẩm này đối với sức khỏe của học sinh, từ tháng 5-2016, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố triển khai chương trình đưa thực phẩm đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) đến các trường học. Tuy nhiên đến nay vẫn rất ít trường được tiếp cận với chương trình. Theo bà Chu Ánh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 10), một số nhà sản xuất thực phẩm an toàn cũng đã tiếp cận nhà trường để giới thiệu sản phẩm, nhưng không ai nói rằng giá thành sẽ hạ. Bà Vân chia sẻ, hiện khẩu phần ăn của học sinh khoảng 15 nghìn đồng/suất, nếu tăng giá thì sẽ gặp phản ứng của phụ huynh. Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kiều Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (quận 5) cho rằng, Sở NN&PTNT cần giới thiệu và đưa các sản phẩm an toàn đến các bếp ăn tập thể, bởi phần lớn các trường tiểu học và trung học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều ký kết với các bếp ăn tập thể mà không tổ chức nấu tại chỗ.

Trong khi đó, về phía các đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn cũng đang gặp khó khi đưa sản phẩm vào các bếp ăn. Nguyên nhân là do các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP có giá thành cao hơn sản phẩm bình thường và khó tiêu thụ, lại còn bị các đơn vị bếp ăn tập thể đòi chiết khấu cao. Theo ông Đào Thanh Đức, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), hầu hết các HTX rau an toàn chưa tiếp cận được với các trường học là do thông qua các trung gian. Nếu gỡ bỏ được rào cản trung gian, kết nối trực tiếp được với các trường học, giá thành sản phẩm sẽ giảm so với sản phẩm đóng gói bán ở siêu thị do không tốn chi phí bao bì và được bán trực tiếp.

Về vấn đề giá thành cao nên các bếp ăn tập thể không lấy sản phẩm nông nghiệp an toàn, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng, các đơn vị sản xuất nông sản, thực phẩm "sạch" cần phải xem xét sản phẩm sao có giá thành hợp lý. Khi ký kết với các bếp ăn tập thể và nấu suất ăn sẵn, các đơn vị cung cấp cũng cần có những biện pháp giám sát để bảo đảm chất lượng các suất ăn và giá thành; đồng thời bảo đảm nhà trường không gặp phản ứng từ các phụ huynh. Cùng với đó, để các trường không tổ chức nấu tại chỗ yên tâm về suất ăn sẵn, Sở NN&PTNT sẽ kết nối các sản phẩm nông nghiệp an toàn đến các bếp ăn tập thể và nấu suất ăn sẵn nhằm tránh xảy ra các vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra đối với học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm “sạch” khó vào học đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.