Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học Sử thế này vui và dễ nhớ

Theo Tiền Phong| 23/10/2016 09:26

Một cuộc thi Lịch sử nhưng lấy chủ đề từ chính quê hương, được lồng ghép với những chuyện kể và có thể biến thành vè đã khiến cho mấy trăm học sinh đất Kinh Bắc “thuộc bài một cách vui vẻ”.


Sôi động cuộc thi “Tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội và Truyền thống khoa bảng Bắc Ninh.


Ngày 22/10, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh và Phòng GD&ĐT thành phố Bắc Ninh tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội và Truyền thống khoa bảng Bắc Ninh” cho các trường THCS tại thành phố Bắc Ninh. Có dáng dấp một cuộc thi “SV” chuyên về lịch sử, thế nên không khí cuồng nhiệt được nhóm lên ngay từ đầu, và kéo dài đến tận khi giám khảo công bố chung cuộc. Một số bạn bị mất giọng vẫn co kéo người của ban tổ chức: Bao giờ cô chú lại cho thi tiếp?

Cuộc thi chia làm ba vòng, bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm về lịch sử, di tích và cả phần ghép hình kể chuyện để thay đổi không khí. Những thông tin lịch sử được chuyển thể kiểu tích cũ, chuyện xưa khiến cho học sinh và cả người lớn đi cổ vũ đều bị cuốn vào. Phần thi của Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo có phần đối thoại của một bà bán hàng rong và cậu bé được một vị phụ huynh tặc lưỡi: “Nếu dạy Lịch sử thế này, chúng nó học chắc là ngon ơ”. Ví dụ, bà hỏi: Tưởng Hà Nội mới có Văn Miếu chứ? Trả lời: Bắc Ninh cũng có Văn Miếu, và Văn Miếu này to thứ ba cả nước, chỉ sau Hà Nội và Huế. Bà lại hỏi: Văn Miếu thờ vua à? Trả lời: Không. Văn Miếu thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền. Hay Trường Đại Phúc biến toàn bộ phần giới thiệu truyền thống khoa bảng Bắc Ninh thành vè. Trong đó có những câu vè lưu truyền dân gian khiến người ta thuộc ngay lịch sử hiếu học của tỉnh chỉ sau một, hai lần đọc nhẩm: “Một giỏ ông Đồ/ Một bồ ông Cống/Một đống ông Nghè/ Một bè Tiến sỹ/Một bị Trạng nguyên/Một thuyền Bảng nhãn”.

Cảm xúc của mấy trăm học sinh chật kín hội trường chia làm hai thái cực rõ rệt. Đối với những tiết mục thơ ca, hò vè, kể chuyện có kịch tích, chúng gõ trống đánh chiêng không tiếc giọng. Một vài tiết mục trót hô khẩu hiệu kiểu nguyện làm nọ kia, học sinh lại ngồi im phăng phắc.

Điều bất ngờ là học sinh thi Sử nhưng không hề ngại khô khan, trái lại còn rất hào hứng mở rộng vấn đề. Chẳng hạn, sau khi câu hỏi: “Trạng Mè đè Trạng Ngọt” là ai, trả lời: Nguyễn Giản Thanh và Hứa Tam Tỉnh. MC công bố đúng, ở phía dưới lại nhao nhao: “sao lại đè”? Hoặc câu hỏi: Ai là người đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình? Trả lời: Nguyễn Đăng. Phía dưới có tiếng hét: Người làng tớ, làng tớ! Cũng vì những thông tin kéo dài này, cuộc thi dự kiến kết thúc lúc 10h đã kéo dài đến tận 11h30.

Chung cuộc, Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo được giải nhất, Trường THCS Minh Xá giải Nhì và Trường THCS Đại Phúc giải Ba.

Bà Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cho biết, đây là lần thứ hai trung tâm tổ chức cuộc thi tìm hiểu Văn Miếu ở ngoại tỉnh. Lần trước ở Hải Dương cũng được đón chào rất nồng nhiệt. Tại Hà Nội, năm nào cũng có một cuộc thi tương tự dành cho học sinh cấp hai. Hiệu quả giáo dục so với cách dạy qua giáo trình và trường lớp thì khả quan hơn nhiều.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học Sử thế này vui và dễ nhớ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.