Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật

Hà Phong| 03/11/2016 19:53

(HNMO)- Chiều 3- 11, UBND TP Hà Nội sơ kết 03 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tổng kết 4 năm thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/4/2012 ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) trên địa bàn Hà Nội.


Đồng chí Lê Hồng Sơn- Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội dự.

Theo Phó giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương, 3 năm qua, hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác PBGDPL được chú trọng. Hình thức và phương pháp được lựa chọn phù hợp với hầu hết các đối tượng. Nhiều nội dung phổ biến có trọng tâm, trọng điểm đã đi vào cuộc sống, đến được với tầng lớp nhân dân, điển hình là: “Năm trật tự và văn minh đô thị”; Công tác quản lý và sử dụng đất đai; bồi thường, giải phóng mặt bằng; trật tự an toàn giao thông; môi trường; tội phạm và tệ nạn xã hội.

Song việc tuyên truyền, phổ biến chưa thực sự sâu, rộng đến người dân ở ở vùng sâu, vùng xa trung tâm. Về đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, nòng cốt là cán bộ tư pháp, báo cáo viên tuy đông về số lượng, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu trong công tác phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành. Lý giải về điều này, bà Hồ Xuân Hương thông tin, ngành Tư pháp ngày càng được tăng thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới trong khi biên chế lại chưa được bổ sung kịp thời (cấp huyện, cấp xã) đã dẫn đến tình trạng quá tải về công việc vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý về PBGDPL.

Để huy động thêm nguồn nhân lực trong tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn, UBND TP đề nghị Quốc hội mở rộng đối tượng được công nhận là báo cáo viên pháp luật như luật gia, luật sư; Bộ Tài chính phân bổ kinh phí PBGDPL theo số lượng người dân trên địa bàn để tạo căn cứ pháp lý thống nhất trong tổ chức thực hiện. Về phía Bộ Tư pháp, cần tiếp tục thực hiện gắn công tác PBGDPL với công tác theo dõi thi hành pháp luật; sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động PBGDPL để có cơ sở đánh giá kỹ các mô hình, phương pháp, cách làm hiệu quả, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.