Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi nghiệp - không chỉ để mưu sinh

Ánh Tuyết| 20/01/2017 07:00

(HNM) - Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Bên cạnh vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng thể chế, chính sách thì các doanh nghiệp cũng đang chung tay hỗ trợ các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) theo cách của riêng mình.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với tinh thần cống hiến cho đất nước. Ảnh: Khánh Huy


- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự phát triển của hệ sinh khái khởi nghiệp (HSTKN) trong năm 2016, khi cộng đồng khởi nghiệp nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, khi tạo hành lang pháp lý đã cởi mở hơn, hỗ trợ các startup nhiều hơn?

- Năm 2015, Bộ KH-CN đã tổ chức sự kiện Techfest - ngày hội khởi nghiệp đầu tiên có sự tham gia của các chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế. Năm đó, số lượng người đến dự vào khoảng 1.000, trong đó có khoảng 20 nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được nhiều ý tưởng sáng tạo của các cộng đồng khởi nghiệp. Năm 2016 được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đã ký Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt đề án hỗ trợ HSTKN gắn với đổi mới sáng tạo. Quyết định này rất có ý nghĩa với cộng đồng khởi nghiệp vì trong đó đầy đủ các nội dung, từ xây dựng mạng lưới cổng thông tin kết nối, đào tạo cho hệ sinh thái khởi nghiệp cho tới xây dựng quỹ đầu tư, tổ chức các sự kiện để có thể tập hợp, lắng nghe, lựa chọn những người làm khởi nghiệp tốt nhất.

Về phía Bộ KH-CN, hiện đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho HSTKN như dự án Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, dự án Phát triển các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp KH-CN giữa Việt Nam và Bỉ, dự án Đổi mới sáng tạo gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KH-CN và các quỹ khác cũng đã và đang hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

- Việc nhiều startup thành lập doanh nghiệp KH-CN có đóng góp như thế nào đối với sự phát triển của nền kinh tế?

- HSTKN tạo điều kiện thu hút được nguồn lực đầu tư tài chính từ các quỹ ở Việt Nam và nước ngoài. Năm đầu tiên của doanh nghiệp gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể được hỗ trợ, nhưng năm sau doanh nghiệp được xem xét và đánh giá lại. Có những doanh nghiệp, sau 3 năm được đánh giá, có thể nhận được khoản đầu tư lên đến 3 triệu USD và thu hút khoản vốn hàng triệu USD từ các quỹ. Nguồn lực và hoạt động của các đơn vị này sẽ đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế của đất nước ta. Doanh nghiệp khởi nghiệp đó, sau này sẽ được đấu giá, đưa lên sàn chứng khoán định giá và có thể chuyển nhượng.

- Lĩnh vực công nghệ thông tin được nhiều người lựa chọn để khởi nghiệp, Thứ trưởng có nhận xét gì về điều này?

- Đúng là hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trên thế giới cũng vậy. Việt Nam có thế mạnh là có nhiều bạn trẻ rất đam mê và thực sự giỏi về công nghệ thông tin. Thế giới đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó chính là đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng và kết nối vạn vật với nhau, kết nối các yếu tố với nhau để tạo ra hiệu ứng mới, sự phát triển của doanh nghiệp đem lại hiệu quả mà ta không ngờ tới. Người ta từng không thể tưởng tượng được là tại sao có những công ty như Uber, Grab - những công ty hầu như không có nhân viên, không có ô tô mà vẫn hoạt động có hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao cho xã hội. Đó là minh chứng cho hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi nghĩ Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó.

- Thứ trưởng đánh giá gì khi Ngày hội khởi nghiệp - Techfest lọt vào top sự kiện KH-CN nổi bật trong năm 2016?

- Tôi nghĩ rằng Techfest là sự kiện được chuẩn bị rất tốt. Năm 2016, số người tham dự tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Cách tổ chức rất chuyên nghiệp, từ chọn địa điểm cho tới sự phối hợp của các bộ, ngành, các lĩnh vực. Việc mở rộng sự tham gia tới nhiều bộ, ngành khác góp phần vào thành công của sự kiện, tạo nên một sự lan tỏa lớn cho phong trào khởi nghiệp. Nhiều người cùng thấy rằng hoạt động khởi nghiệp phát huy được sức sáng tạo của người Việt Nam, là cách để đưa các doanh nghiệp gắn với sáng tạo, gắn với công nghệ, gắn với các kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao nhanh để phát triển kinh tế - xã hội. Rộng hơn, nếu như động lực khởi nghiệp của thế hệ doanh nhân trước đây xuất phát đơn giản từ nhu cầu mưu sinh, kiếm sống thì tinh thần khởi nghiệp của người trẻ bây giờ còn mang khát khao, ước vọng hoàn thiện những mong muốn bản thân, từ đó cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp - không chỉ để mưu sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.