Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó vì... thiếu mặt bằng, kinh phí

Thống Nhất| 17/02/2017 06:44

(HNM) - Để có từ 65% đến 70% số trường mầm non (MN), phổ thông đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020, từ nay tới cuối năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 80 trường chuẩn, trong đó có 29 trường MN. Tại hội nghị về thực hiện công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2017 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 16-2,



Khó từ nguồn lực địa phương

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến hết năm 2016, Hà Nội có 1.209 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 57% số trường ở thành phố. Riêng năm 2016, Hà Nội đã xây dựng thêm 103 trường chuẩn, vượt chỉ tiêu đề ra là 28 trường. Có 26 quận, huyện hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu; ba đơn vị dẫn đầu về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, đều vượt mức trên 80% gồm: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì; 5 đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn dưới 50%; hai đơn vị có tỷ lệ thấp nhất thành phố là Phú Xuyên 27,3% và Ba Vì 31,3%.

Nguyên nhân của sự chậm trễ và chênh lệch này được chỉ rõ qua thực tế triển khai của các đơn vị, cả ở nội thành và ngoại thành. Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, lãnh đạo quận rất lo lắng, bởi tỷ lệ trường đạt chuẩn của quận hiện còn ở mức thấp (dưới 50%), song gặp phải khó khăn không nhỏ, trong đó có việc tìm quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường học. Quận Bắc Từ Liêm còn thiếu 3 trường công lập dù đã đề xuất 3 địa điểm để xây dựng trường học, nhưng chưa được phê duyệt.

Giải thích nguyên nhân chậm tiến độ, khiến tỷ lệ trường chuẩn của huyện nằm ở vị trí "đội sổ", lãnh đạo huyện Phú Xuyên cho biết, 5 năm qua huyện tập trung ưu tiên xóa phòng học nhờ, học tạm để đáp ứng chỗ học cho HS. Khó khăn lớn nhất của huyện là về kinh phí, 2 năm gần đây tổng thu ngân sách toàn huyện mới đạt ở mức trên 100 tỷ đồng/năm, chỉ bằng 1/10 tổng kinh phí chi của địa phương. Theo ông Lê Ngọc Tôn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, năm học 2016-2017, quy mô giáo dục của huyện rất lớn, với 114 trường học MN, tiểu học và THCS, nhưng tỷ lệ phòng học kiên cố ở cả ba cấp học đều chưa đạt 100% (MN, tiểu học đạt trên 80%). Trên địa bàn huyện hiện vẫn còn 234 phòng học cấp 4, phòng học mượn, phòng học tạm cần phải xây mới. Tổng chi của toàn huyện lên tới gần 2.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng tổng thu ngân sách chỉ được 200 tỷ đồng, còn lại đều trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố.

Mầm non vẫn bị "bỏ quên"?

Trong số 103 trường đạt chuẩn mới trong năm 2016, cấp MN có 51 trường, vượt chỉ tiêu 18 trường so với kế hoạch, song đây vẫn là cấp học có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất (44,4%). Sự chậm trễ về tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở cấp học MN đã tồn tại nhiều năm qua. Trong khi đó, chỉ tiêu thành phố giao năm 2017 với cấp MN là có thêm 29 trường chuẩn, nhiều nhất trong các cấp học.

Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục MN (Sở GD-ĐT Hà Nội) nhận định: Trên bình diện chung, tỷ lệ trường đạt chuẩn ở các quận, huyện, thị xã không thấp, nhưng riêng cấp MN lại có sự khác biệt. Huyện Quốc Oai có tỷ lệ trường THCS đạt chuẩn chiếm 86%, nhưng MN mới chỉ đạt 23%; quận Ba Đình có tỷ lệ chung là 46%, trong đó MN là 27%; Đông Anh có tỷ lệ đạt chuẩn chung 58%, còn cấp MN đạt 23%...

Thực tế tìm hiểu cho thấy, cấp MN dường như có phần thiệt thòi hơn so với các cấp học khác. Đơn cử, năm 2016, huyện Phú Xuyên có tỷ lệ trường đạt chuẩn chung là 27,3%, trong đó cấp MN đạt 16%. Điều đáng nói là từ năm 2008 đến nay, huyện mới chỉ có thêm 3-4 trường MN đạt chuẩn. Huyện Quốc Oai có tỷ lệ trường chuẩn 57%, nằm trong số các đơn vị hoàn thành vượt chỉ tiêu của năm 2016, nhưng tỷ lệ trường chuẩn ở cấp MN chỉ đạt 23%, bằng một nửa tỷ lệ chung của toàn thành phố.

Cũng theo bà Hoàng Thanh Hương, để xảy ra các vụ việc về mất an toàn cho trẻ MN thời gian qua, có phần nguyên nhân không nhỏ là sự thiếu quan tâm, đầu tư cho cấp học MN về mọi mặt. Nếu không xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của vấn đề, thì không thể khắc phục được sự ì ạch về tiến độ xây dựng trường chuẩn ở cấp MN. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ của giáo dục MN không chỉ là giáo dục, mà còn là chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ. Đây cũng là cấp học tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nhất, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư quyết liệt, mạnh mẽ, tạo sự phát triển bền vững cho các cấp học sau này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó vì... thiếu mặt bằng, kinh phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.