Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự nguyện và bảo đảm quyền lợi học sinh

Thống Nhất| 26/02/2017 07:20

(HNM) - Những năm gần đây, giảng dạy ngoại ngữ theo hình thức liên kết với các trung tâm ngoại ngữ tại các trường học đã trở nên khá phổ biến.

Giờ học ngoại ngữ tại Trường Tiểu học song ngữ Gateway Hà Nội.


Hà Nội với 1,8 triệu học sinh (HS), là nơi có nhu cầu học ngoại ngữ cao và việc đa dạng hóa hình thức đào tạo đã thu hút sự góp sức của toàn xã hội, giúp HS có thêm nhiều cơ hội học chất lượng. Nhưng, để bảo đảm quyền lợi cho HS, việc triển khai hình thức này phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, quyết định thuộc về phía HS...

Căn cứ pháp lý và thực tiễn

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, mô hình liên kết dạy ngoại ngữ với các trung tâm hiện có ở tất cả các cấp học, trong đó nhiều nhất là cấp tiểu học có 652 trường thuộc 28 quận, huyện triển khai dạy học bổ trợ và làm quen tiếng Anh với 15 trung tâm ngoại ngữ và 375 nghìn HS đăng ký học. Ngoài ra, cấp THCS có 145 trường với hơn 30 nghìn HS đăng ký học; mầm non có 215 trường, hơn 22 nghìn bé học làm quen với tiếng Anh theo hình thức liên kết; cấp THPT có 38 trường, hơn 17 nghìn HS.

Cả căn cứ pháp lý và thực tiễn đều khẳng định sự tồn tại và phát triển của mô hình này là phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của HS. Kế hoạch 90/KH-UBND ngày 21-6-2012 của UBND TP Hà Nội về nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, HS phổ thông xác định: “Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác giáo dục, đặc biệt là hỗ trợ cho chương trình dạy tiếng nước ngoài”…

Thực tế tại Hà Nội, nhu cầu của phụ huynh cho con học chương trình làm quen và bổ trợ ngoại ngữ tại trường khá cao. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, với mức chi phí hợp lý (chương trình nội địa học phí khoảng 50-70 nghìn đồng/HS/tháng; chương trình có yếu tố nước ngoài khoảng 150 nghìn đồng/HS/tháng; chương trình 100% do giáo viên nước ngoài giảng dạy học phí từ 500-700 nghìn đồng/HS/tháng), cha mẹ HS có nhiều lựa chọn phù hợp điều kiện. Việc học tại trường còn có nhiều tiện ích như tiết kiệm thời gian, có sự quản lý, giám sát về chuyên môn…

Theo ông Phạm Xuân Tiến, trong bối cảnh còn nhiều thiếu hụt về điều kiện dạy học ngoại ngữ, giải pháp đưa chương trình liên kết vào giảng dạy đáp ứng mục tiêu của đề án dạy và học ngoại ngữ.

Không ép buộc học sinh học

Một trong những điều kiện mà các nhà trường phải tuân thủ khi triển khai chương trình liên kết giảng dạy ngoại ngữ là HS được học theo nguyện vọng, không ép buộc HS dưới bất kỳ hình thức nào. Theo đại diện lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng, toàn quận có 97 trường thì chỉ có 73 trường tổ chức liên kết dạy ngoại ngữ và không trường nào có 100% HS học. Điển hình như tại Trường THCS Đoàn Kết có 186/393 HS đăng ký học, Trường THCS Lê Ngọc Hân 220/1.200 HS học, Tiểu học Trưng Trắc 1.300/1.600 HS học, Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm có 600/750 HS học…

Trước ý kiến của phụ huynh cho rằng, nhiều trường cố tình không xếp giờ học ngoại ngữ bổ trợ này vào tiết cuối để nhằm ép HS học, do nếu xếp vào tiết cuối thì HS không có nhu cầu học có thể ra về, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, không có chuyện đó. Ở cấp tiểu học, nếu xếp ngoại ngữ vào tiết cuối, thì 1 tuần 1 giáo viên chỉ dạy được 5 tiết. Một trường trung bình có khoảng 20 lớp, nếu là trường hạng 1 thì có trên dưới 30 lớp, không đơn vị nào đủ giáo viên để có thể đáp ứng được nhu cầu. Việc xếp thời khóa biểu căn cứ vào điều kiện cụ thể từng nơi, nhưng cơ bản là vào các buổi chiều, không ảnh hưởng đến quy định về thời lượng học 2 buổi/ngày, tạo điều kiện cho mọi HS được thụ hưởng quyền lợi học tập.

Nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực có thể nảy sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường phải chấp hành đúng quy định, mỗi đơn vị chỉ được liên kết tối đa 2 trung tâm. Việc lựa chọn trung tâm là do nhà trường và phụ huynh quyết định, tuyệt đối không có sự chỉ định. Sở GD-ĐT thực hiện thẩm định tính pháp lý của các trung tâm về chương trình, mục tiêu, mức học phí, hồ sơ nhân sự của giáo viên, cam kết chất lượng đào tạo… Mức thu học phí căn cứ vào điều kiện, nhu cầu của phụ huynh HS từng trường (học theo giáo trình nào, có giáo viên nước ngoài hay không…) và thỏa thuận với đơn vị liên kết.

Theo kế hoạch, cuối tháng 3-2017, Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra, rà soát việc triển khai chương trình liên kết đào tạo tại các trường, nhằm kịp thời chấn chỉnh các sai phạm (nếu có), góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho HS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự nguyện và bảo đảm quyền lợi học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.