Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo “nền” phát triển bền vững

Thống Nhất| 07/03/2017 06:46

(HNM) - Năm 2017 là năm đầu tiên các trường công lập chất lượng cao của Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND về cơ chế tài chính.


Một giờ làm quen với máy tính của học sinh Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (quận Long Biên). Ảnh: Viết Thành


Không thể tùy tiện tăng học phí

Đến thời điểm hiện tại, có 15 trường được UBND TP Hà Nội công nhận đạt tiêu chí trường CLC (gồm 10 trường công lập), trong đó cấp mầm non nhiều nhất là 6 trường, tiểu học 5 trường, THCS 3 trường, THPT 1 trường. Theo Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, mức trần học phí của các trường công lập CLC được điều chỉnh tăng dần từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020, trong đó mức trần cao nhất là cấp THCS và THPT 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng.

Điểm đáng chú ý của Nghị quyết điều chỉnh là các trường công lập CLC được kéo dài thời gian ngân sách hỗ trợ tới 3 năm, kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần, sau đó đơn vị sẽ tự chủ hoàn toàn. Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội), nghị quyết tạo điều kiện cho các trường CLC có lộ trình để xây dựng và khẳng định thương hiệu, chủ động chuẩn bị các điều kiện để tự chủ. Trước băn khoăn của phụ huynh cho rằng, các trường có thể "vin" vào đây để tăng mức học phí, ông Nguyễn Viết Cẩn khẳng định không thể xảy ra việc này, các trường phải tuân thủ quy định công khai mức học phí của cả khóa học. Chẳng hạn, với trường tiểu học phải công khai mức thu học phí của cả 5 năm, cấp THCS 4 năm... để phụ huynh chủ động, quyết định có cho con theo học mô hình CLC hay không, không thể cứ mỗi năm lại tùy ý tăng học phí. Mức học phí ra sao phải được Sở GD-ĐT hoặc UBND cấp quận (tùy theo phân cấp quản lý) phê duyệt căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, các yếu tố liên quan như: Điều kiện dạy học, cam kết chất lượng…

Ghi nhận thực tế tại các trường CLC cho thấy, chưa có trường nào tăng mức học phí. Theo bà Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên), không thể vì được trao quyền tự chủ mà gây khó khăn cho phụ huynh, làm giảm quyền lợi học tập của học sinh (HS). Nhà trường sẽ giữ ổn định mức học phí hiện tại đến hết tháng 5-2017 và đang nghiên cứu xây dựng mức học phí mới với định hướng áp dụng mức riêng cho từng khối lớp.

Xây dựng tiêu chí "đầu ra" theo hướng hội nhập

Nhìn lại chặng đường phát triển của các trường CLC, thấy rõ sự phù hợp và nhu cầu của phụ huynh đối với mô hình này. Điều đó khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi nhu cầu học tập của HS ngày càng đa dạng, có chất lượng. Trong 3 năm học liên tiếp gần đây, tỷ lệ tuyển sinh của các trường CLC đều đạt trung bình từ 96% đến 99%; một số trường đạt tỷ lệ tuyển sinh ở mức cao như: Mầm non đô thị Sài Đồng (Long Biên) 100%, Mầm non Việt - Bun (Hai Bà Trưng) 100%; Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên) 107%... Mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng có một trường THPT (THPT Phan Huy Chú) đã có thể tự chủ hoàn toàn, số lượng HS đăng ký xét tuyển vào trường mỗi năm một tăng và luôn cao hơn so với chỉ tiêu được giao… Đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương đầu tiên và duy nhất ban hành bộ tiêu chí trường CLC với các tiêu chí cụ thể về điều kiện dạy học, về trình độ đội ngũ, về chương trình đào tạo, các dịch vụ, chất lượng “đầu ra”…

Tại hội nghị giao ban ngành GD-ĐT quý I-2017 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chỉ đạo ngành GD-ĐT tiếp tục xây dựng trường CLC ở mức cao hơn nữa về mọi mặt, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, cập nhật chương trình giáo dục chất lượng cao theo hướng hội nhập quốc tế.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành GD-ĐT Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về tiêu chí và chương trình chất lượng cao theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế, nhất là việc xây dựng các tiêu chí cụ thể về chuẩn “đầu ra” đối với từng cấp học. Đầu ra phải đáp ứng các yêu cầu bắt buộc về trình độ ngoại ngữ, tin học, để HS khi tốt nghiệp có thể theo học liên thông ở các trường trong khu vực và quốc tế. Theo định hướng này, các trường CLC sẽ đẩy mạnh việc học song ngữ ở một số môn học, tăng cường trau dồi cho HS các kỹ năng cần thiết để có thể tự học, tự lập trong cuộc sống. Đây là những nền tảng quan trọng, giúp các trường CLC phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập.

“Nghị quyết 14/2016/NQ-HĐND nêu rõ: "Cơ sở giáo dục công lập CLC có trách nhiệm quản lý các nguồn kinh phí bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của phụ huynh học sinh và xã hội"... Điều này khẳng định vai trò giám sát của cộng đồng đối với công tác quản lý của các trường CLC. Không ai bảo vệ quyền lợi tốt hơn, giám sát kịp thời và chặt chẽ hơn khi chính cha mẹ đóng tiền cho con học, chính người dân được giao quyền tự chủ giám sát. Để các trường CLC phát triển bền vững, công tác quản lý các trường CLC cần được đặt trong sự quản lý cân đối của ba hình thức: Tự quản lý của nhà trường; quản lý của cơ quan nhà nước và sự giám sát quản lý của cộng đồng địa phương, cha mẹ học sinh”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo “nền” phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.