Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục thể chất tại trường học: Quan trọng không kém học văn hóa

Thống Nhất| 09/03/2017 05:35

(HNM) - Coi trọng phát triển thể chất để phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ cho học sinh là vấn đề được nêu tại Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.


Học sinh tiểu học luyện tập bóng rổ tại Trung tâm Thể thao Tuổi thơ.


Chưa tương xứng với vai trò, vị trí

Thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT cho thấy 95% số trường học trên cả nước đã thực hiện chương trình giáo dục thể chất (GDTC) chính khóa; 75% số trường có hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa, thu hút khoảng 70% trong tổng số gần 15 triệu HS phổ thông tham gia. Tuy nhiên, công tác GDTC, việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong trường học chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất phục vụ cho tổ chức các hoạt động luyện tập tại trường còn thiếu.

Theo Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế thì “diện tích để làm sân chơi, sân tập từ 40% đến 50% so với tổng diện tích của nhà trường”, song, trên thực tế, tỷ lệ trường phổ thông có nhà GDTC hoặc thi đấu thể thao mới chỉ đạt khoảng 7%, tỷ lệ trường có sân tập là 15%, số có bể bơi chiếm chưa đầy 1%. Tại Hà Nội, các trường công lập đều có sân chơi, bãi tập dành cho HS, song, với khối ngoài công lập thì nhiều trường còn phải đi thuê, mượn địa điểm, tỷ lệ trường có đủ cơ sở vật chất phục vụ HS học tập, vui chơi mới đạt khoảng 1/3 tổng số trường…

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiệu quả công tác GDTC tại các trường phụ thuộc vào nhận thức, sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị. Huyện Thanh Trì dành phần lớn kinh phí xây dựng bể bơi tại 15/16 xã để phục vụ HS trên địa bàn. Quận Thanh Xuân có sáng kiến phổ cập bơi cho HS tiểu học bằng cách lắp đặt bể bơi di động. Trường Tiểu học Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) tổ chức cho HS học bơi tại Trung tâm Thể dục thể thao quận vào chiều thứ hai hằng tuần. Vài năm gần đây, ngoài bơi lội, taekwondo - môn học đang được HS các trường yêu thích - đã được đưa vào giảng dạy trong giờ học chính khóa ở khá nhiều trường tại khu vực quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm... Với đặc thù diện tích không lớn, nhiều trường học tại các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Ba Đình... lại tổ chức cho HS học bóng rổ. Đây là môn thể thao lôi cuốn và các đội bóng rổ HS Hà Nội thường đoạt thành tích cao tại nhiều giải bóng rổ cũng như kỳ đại hội thể thao.

Nhiệm vụ song hành

Tổ chức học tập và rèn luyện thể chất là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Giáo dục. Nghị quyết 29-NQ/TƯ đề ra nhiệm vụ “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ”. Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17-6-2016 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 cũng nêu định hướng chiến lược tổng thể về phát triển GDTC và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, đồng thời khẳng định vai trò của công tác GDTC đối với thế hệ trẻ.

Điểm đáng chú ý tại đề án là công tác kiểm tra, đánh giá nội dung GDTC được đổi mới theo hướng không căn cứ vào thành tích, mà chú trọng về kỹ năng, năng lực vận động, thái độ, sự cố gắng và thói quen tập luyện thể dục thể thao ở trong và ngoài nhà trường của HS. Cuối tháng 2-2017, tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Bên cạnh phần giáo dục kiến thức, GDTC phải có vị trí tương xứng với những điều chỉnh, thay đổi cách dạy, cách học để không nhàm chán.

Bộ GD-ĐT cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, HS sẽ được tự chọn nội dung thể dục, thể thao yêu thích từ lớp 1. Thời lượng môn thể dục là 2 tiết/tuần, chia thành 2 buổi, không gộp tiết để tránh gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của HS. Việc tổ chức giờ học/hoạt động GDTC cũng có điều chỉnh cho phù hợp với mức độ đáp ứng của HS về thể lực, trên cơ sở phân nhóm HS có sức khỏe tốt, nhóm có sức khỏe trung bình, nhóm yếu. Những nơi có điều kiện có thể tổ chức nhóm năng khiếu thể thao, bao gồm những HS có sức khỏe tốt và có khả năng, nguyện vọng tập luyện.

Bà Cảnh Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Nam - Angieri (Thanh Xuân) cho biết, ngoài 2 tiết thể dục theo quy định, nhà trường còn tổ chức các giờ học tự chọn, các câu lạc bộ thể thao để HS vừa thỏa niềm đam mê với các môn thể thao yêu thích, vừa rèn luyện thể chất. Nhà trường đang dự kiến xây dựng một sân tập bóng đá, bóng rổ cho HS với nguồn kinh phí hoàn toàn do thầy, cô giáo đóng góp.

Nhằm giải quyết bài toán thiếu nhân lực phục vụ công tác GDTC tại trường học, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng rà soát đội ngũ giáo viên dạy thể dục, từ đó chỉ đạo các trường sư phạm, trường thể thao phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo đáp ứng yêu cầu nội dung chương trình mới. Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Giáo dục từ nay tới năm 2020 cũng xác định rõ: Mỗi năm toàn ngành cần bổ sung 460 giáo viên thể dục, chủ yếu ở cấp tiểu học. Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đây là nền tảng để công tác GDTC phát triển tương xứng với vị trí, yêu cầu của hoạt động này trong công tác giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục thể chất tại trường học: Quan trọng không kém học văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.