Theo dõi Báo Hànộimới trên

Canh cánh nỗi lo an toàn cho học sinh

Thống Nhất| 30/03/2017 06:51

(HNM) - Sau sự việc một học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông) ngã từ lan can tầng 3 xuống đất xảy ra khoảng một tháng trước, vấn đề an toàn cho học sinh tại trường học lại một lần nữa được gióng lên...

Tiềm ẩn rủi ro trong trường học

Trong vòng một tháng trở lại đây, tại các trường học đã xảy ra hai sự việc đau lòng liên quan đến việc học sinh (HS) bị ngã từ lan can, khiến cho một HS lớp 6 ở Quảng Ninh tử vong, một HS lớp 1 ở Hà Tĩnh bị chấn thương não... Thực tế ghi nhận tại các nhà trường cho thấy, khoảng không gian quanh lan can cầu thang là nơi tiềm ẩn khá nhiều rủi ro đối với HS, nhất là khi các em học trên tầng cao mải chơi, xô đẩy nhau...

Ảnh minh họa


Theo khảo sát tại các trường học tại Hà Nội, với những trường được xây dựng mới, các hạng mục đều được thiết kế theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN: 8973: 2011 đối với trường tiểu học và TCVN: 8974: 2011 đối với trường trung học. Theo quy định này, lan can cầu thang trường học không thấp hơn 0,9m và phải có chấn song chắc chắn; khoảng cách giữa hai thanh đứng không lớn hơn 0,1m (với trường tiểu học) và 0,15m (với trường trung học) và không được phép làm các thanh phân chia ngang. Nhiều thầy, cô giáo cho rằng độ cao lan can như vậy chưa hẳn đã an toàn, nhất là với HS khu vực nội thành bởi có nhiều em mới học lớp 7, 8 nhưng đã cao hơn 1,7m. Với chiều cao này, cùng với sự hiếu động, các em rất dễ bị nhào ra khỏi lan can khi chơi đùa...

Ông Nguyễn Như Hòa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, những trường học được xây dựng từ năm 2011 trở về trước được thiết kế theo tiêu chuẩn cũ. Sau thời điểm này, tiêu chuẩn thiết kế trường học đã nâng độ cao lan can cầu thang trường học cùng với các hạng mục đi kèm nhằm bảo đảm an toàn cho HS. Tiêu chuẩn là vậy nhưng nếu HS thiếu ý thức tự bảo vệ thì tình hình vẫn rất khó kiểm soát, vụ việc tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông) là một ví dụ: Nhà trường đã gia cố, tăng độ cao lan can nhưng HS vẫn cố tình trèo qua. Thực tế ấy đòi hỏi nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên và ý thức của HS trong việc bảo đảm an toàn.

Ngày 16-3, Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn yêu cầu các đơn vị tổng kiểm tra, rà soát các công trình công cộng, trụ sở làm việc, các trường học có tuổi thọ trên 60 năm. Các đơn vị phải đánh giá cụ thể về hiện trạng và mức độ an toàn của các công trình này để từ đó có kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Hà Nội hiện có hơn 2.700 trường học các cấp, hầu hết được xây dựng từ lâu. Mỗi năm, toàn ngành xây mới khoảng 30-40 trường.

Nhiều nguy cơ từ bên ngoài

Sự rủi ro đối với HS còn đến từ phía ngoài nhà trường khi đã xảy ra các vụ việc HS nữ bị kẻ xấu xâm hại tại trường trong thời gian vừa qua là tiếng chuông cảnh báo về sự mất an toàn của trẻ. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra các sự việc tương tự. Phụ huynh HS Trường Tiểu học Trần Phú A (Chương Mỹ), Tiểu học Đồng Thái (Ba Vì) cũng từng rất hoang mang khi có HS bị xâm hại ngay tại trường. Đối tượng vi phạm đã bị xử lý nhưng nỗi đau và sự lo lắng chưa thôi đeo đẳng các bậc làm cha, làm mẹ.

Trước nguy cơ mất an toàn đối với HS, nhiều trường học đã chủ động xây dựng các biện pháp quản lý, bảo vệ HS. Khung thời gian được đặc biệt lưu ý là đầu giờ và cuối giờ học. Do diện tích trường thường nhỏ và nhằm hạn chế ách tắc giao thông phía ngoài cổng, nhiều trường học, nhất là ở khu vực nội thành thường mở cổng cho phụ huynh vào sân trường đón con. Cách làm này tuy tạo thuận lợi cho phụ huynh song cũng là kẽ hở để kẻ xấu có thể lợi dụng vào trường.

Trước thực tế nói trên, quận Thanh Xuân đang rà soát lại các điều kiện an toàn của 38 trường học trên địa bàn. Theo ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT quận, phương án dự kiến là mỗi trường phải có thêm cổng phụ, vừa để phân luồng HS và cán bộ, giáo viên, khách, vừa để thoát hiểm khi cần thiết. Các trường học phải tuân thủ 3 mức kiểm tra sau giờ tan học: Mức 1, giáo viên chủ nhiệm kiểm tra trong lớp, báo bảo vệ để khóa cửa lớp học; mức 2, sau 15 phút, bảo vệ kiểm tra hành lang, nhà vệ sinh, bảo đảm không còn HS hoặc người lạ; mức 3, sau giờ tan học 30 phút, ban giám hiệu đi kiểm tra, khóa toàn bộ nhà vệ sinh, với những HS chưa được phụ huynh đón thì phân công người quản lý. Trong khoảng thời gian này, các trường huy động tối đa lực lượng bảo vệ nhằm hạn chế sự tiếp cận của người lạ đối với HS.

Theo các chuyên gia giáo dục, ngoài thắt chặt các “vành đai” an toàn cho HS tại trường, việc trang bị cho các em kỹ năng nhận biết, tự vệ, phòng tránh hành vi gây nguy hiểm cho mình là rất cần thiết. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, trong chương trình mới sẽ áp dụng từ năm học 2018-2019, nội dung giáo dục giới tính, bảo vệ trẻ em sẽ được đưa vào phần trọng tâm. Nội dung này được lồng ghép ở nhiều môn học như giáo dục kỹ năng, sinh học, đạo đức…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Canh cánh nỗi lo an toàn cho học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.