Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Gỡ rối” cho trường đại học ngoài công lập

Tạ Thúy| 15/04/2017 17:35

(HNMO) - Ngày 14-4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức “Hội nghị các trường đại học ngoài công lập” nhằm tìm giải pháp phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập một cách bền vững.


Phân nhóm khá rõ giữa các trường

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Với 60 trường trong tổng số 271 các trường đại học, học viện trên cả nước, hiện các trường đại học ngoài công lập chiếm tỷ lệ 25%, tỷ lệ sinh viên chiếm 13% và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng cao và tiến tới không còn phân biệt trường công, trường tư nhằm tạo sự công bằng, phát triển lành mạnh trong toàn hệ thống”. Với mục tiêu nhằm bàn luận, thống nhất các vấn đề, giải pháp có tính chất then chốt để việc phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập hiệu quả và bền vững, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu, nhóm chuyên gia nghiên cứu, đại diện các trường cần nhìn thẳng, nói thật, cởi mở để thảo luận, đưa ra những vấn đề có tính thực tiễn, khả thi trong giải pháp thực hiện.

Tại đây, PGS.TS. Phạm Thị Huyền đã thay mặt nhóm chuyên gia nghiên cứu trình bày kết quả khảo sát tình hình hoạt động của các trường đại học ngoài công lập. Qua phân tích số liệu thống kê, khảo sát trực tiếp tại các trường, một số trường đang sở hữu nhiều điểm sáng đáng ghi nhận như: sự thống nhất về cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động; đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng; cơ sở vật chất được đầu tư liên tục, bảo đảm cho sinh viên thực hành; tình hình tài chính có sự cơ cấu các khoản thu-chi tương đối đồng nhất; công tác tuyển sinh, chương trình đào tạo và hoạt động kết nối doanh nghiệp cũng được thực hiện hiệu quả ở một số trường. Tuy nhiên, một số trường đang bị “tụt hậu” so với mặt bằng chung, xuất phát từ những khó khăn đang tồn tại như: trình độ đội ngũ giảng viên chưa đồng đều; nhiều trường vẫn phải đi thuê cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn mang tính hình thức; chưa chú trọng đến việc kết nối doanh nghiệp…

Theo nhóm nghiên cứu phân tích, tuyển sinh là công tác cần được các trường đầu tư nhiều hơn, vì ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của trường: tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học... Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay, khả năng tuyển sinh của các trường đang có sự phân nhóm khá rõ, trong đó những trường được xếp vào nhóm tuyển sinh tốt nhất hiện nay là ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) - khu vực miền Nam, ĐH Duy Tân - khu vực miền Trung và những trường đang có xu hướng tăng như ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), ĐH FPT, ĐH Nam Cần Thơ... Bên cạnh đó, các trường cần có chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để nâng cao tính ứng dụng của chương trình đào tạo và tiệm cận với những thành tựu giáo dục tiên tiến thế giới. Những kết quả ấn tượng về số lượng công trình nghiên cứu khoa học, hoạt động chuyển giao công nghệ của ĐH Duy Tân, ĐH FPT đã được biểu dương.

Sau báo cáo nghiên cứu, GS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng đại diện các cơ quan trong Bộ đã tiếp nhận, lắng nghe các ý kiến đóng góp, kiến nghị từ đại diện các trường đối với các vấn đề mà nhóm chuyên gia nghiên cứu đưa ra cùng các nội dung gắn liền tình hình thực tế của các trường.

Bộ trưởng cùng các trường thành viên đánh giá cao bức tranh toàn cảnh về hệ thống đại học ngoài công lập trong hơn 20 năm qua, nhận thức rõ sự cần thiết trong việc chung sức, đồng lòng nhằm tìm ra và giải quyết những thiếu sót, bất cập, nâng cao hơn nữa chất lượng hệ thống đại học ngoài công lập. Đại diện các trường đã đóng góp ý kiến rất tích cực, thẳng thắn và tâm huyết xoáy vào các vấn đề chung của tập thể và đơn vị mình.

Cần có sự bình đẳng giữa trường công lập và ngoài công lập


Tại Phiên làm việc buổi chiều, Hội nghị tiến hành thảo luận nhóm với 2 vấn đề mang tính quyết định cho sự phát triển của một trường đại học: nhóm 1 bàn về “Cơ chế, chính sách” và nhóm 2 bàn về “Các hoạt động và điều kiện bảo đảm chất lượng”.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những nội dung được đưa ra tại Hội nghị, đặc biệt là các nhóm nghiên cứu độc lập đã phối hợp tốt với các trường đại học để cho ra những kết quả nghiên cứu khoa học và khách quan. Theo Bộ trưởng, nghiên cứu lần này đã tập trung vào vấn đề quản lý và hoạt động của các trường, đóng vai trò định hướng quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển hơn nữa hệ thống giáo dục ngoài công lập. Trong đó, Bộ trưởng nêu rõ chủ trương ủng hộ các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng đề nghị, các nhóm nghiên cứu cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các trường để hoàn thiện nghiên cứu gắn liền thực tiễn và ứng dụng hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong điều chỉnh cơ chế chính sách phải chú ý tạo sự bình đẳng, tạo cơ hội cho cả hệ thống trường công lập và ngoài công lập.

Sau Hội nghị, sẽ cần có sự nỗ lực không ngừng của các trường trong việc khắc phục những mặt hạn chế và phát huy những điểm tích cực đã được nêu ra trong suốt quá trình thảo luận. Tuy nhiên, tinh thần trách nhiệm cao độ được thể hiện qua từng phần trao đổi cũng như những định hướng, giải pháp được chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT chính là niềm hy vọng để mỗi đơn vị đào tạo có những bước phát triển đột phá và bền vững trong thời gian tới, hướng đến nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam trong xu thế hội nhập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Gỡ rối” cho trường đại học ngoài công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.