Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi cần... không có, nơi có... không dùng

Miên Hạo| 03/05/2017 07:07

(HNM) - Xây dựng không đồng bộ, không gắn với nhu cầu thị trường, thiếu công trình phụ trợ; chồng chéo ngành nghề đào tạo trên cùng một địa phương… đang là những nguyên nhân khiến hoạt động của nhiều trường nghề rơi vào tình cảnh: Nơi cần không có, nơi có không dùng.

Đầu tư rồi... bỏ đó

Trong nhiều năm qua, hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường nghề. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên đến thời điểm này công tác đào tạo nghề vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Đặc biệt, tại không ít địa phương, trường đào tạo nghề được xây mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhưng phải… bỏ đó vì không có học viên, ngược lại có nơi phải học ghép, hoặc tăng ca vì thiếu thiết bị thực hành.

Đào tạo nghề sửa chữa máy tính cho học viên Trường Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội).
Ảnh: Thanh Xuân



Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư nhưng không sử dụng, sử dụng không hiệu quả tồn tại ở nhiều địa phương như: Nghệ An với các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong…; Ninh Bình với các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan…; Hà Tĩnh với các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh…; Thanh Hóa với các huyện Thường Xuân, Quảng Xương, Triệu Sơn, Nông Cống… Đơn cử tại Ninh Bình, hai Trung tâm Dạy nghề Gia Viễn, Hoa Lư chưa khai thác được tối đa hiệu quả, đào tạo trùng ngành nghề, đào tạo chưa “trúng” nhu cầu thị trường nên có rất ít người theo học dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị phải “đắp chiếu”.

Ngay trên địa bàn Hà Nội - nơi vẫn được đánh giá công tác đào tạo nghề sôi động hơn các tỉnh, thành khác thì tình trạng số lượng tuyển sinh được không đủ lập lớp vẫn xuất hiện ở không ít trường nghề. Ông Doãn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Thăng Long, cho biết: “Do không có đủ người dự học mà phần lớn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường phải “đắp chiếu” hoặc cho đơn vị khác thuê lại. Không ít giáo viên của trường đã xin chuyển công tác cũng vì lý do này”. Tương tự, ở Trung tâm Dạy nghề quận Hai Bà Trưng, số lượng học viên đăng ký dự học ngắn hạn trong năm 2016 chưa đạt 100 người.

Rà soát tổng thể

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận: Tình trạng trường nghề xây dựng không đồng bộ, không gắn với nhu cầu thị trường, đào tạo chồng chéo, đầu tư trang thiết bị không đúng nghề trọng điểm... khiến nhiều nơi đầu tư xong không thu hút được học viên, gây lãng phí. Tình trạng nêu trên tập trung chủ yếu ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện - nơi chủ yếu đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, đánh giá: Để xảy ra tình trạng này còn có trách nhiệm ở khâu quản lý, từ duyệt quy hoạch, bố trí vốn, phê duyệt đầu tư, quản lý sau nghiệm thu… chưa tốt. Khảo sát thực tế cho thấy, trên cùng một địa bàn, dù đã có nhiều trường dạy nghề, thậm chí ở trình độ cao đẳng, nhưng địa phương vẫn lập dự án để xây dựng trung tâm dạy nghề mới, dẫn đến tình trạng lãng phí cơ sở vật chất.

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, để chấn chỉnh điều này, trước hết phải có quy hoạch phù hợp với nhu cầu nghề ở từng địa phương, từ đó bố trí, sắp xếp những nghề thiết thực, bảo đảm lao động sau khi học xong có việc làm. Cùng với đó, ngành chủ quản cần rà soát lại việc đầu tư, quản lý, sử dụng các trung tâm dạy nghề, làm rõ trách nhiệm quản lý cũng như kịp thời có phương án bố trí, sắp xếp lại cơ sở dạy nghề, điều chuyển trang thiết bị cho hợp lý.

Năm 2017, ngành LĐ-TB&XH có kế hoạch rà soát tổng thể mạng lưới đào tạo nghề nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập trong công tác dạy nghề, không để xảy ra tình trạng nơi có học viên thì không có thiết bị thực hành, nơi thiết bị “đắp chiếu” thì không có người học. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Các địa phương cần tập trung rà soát, điều chuyển các thiết bị không khai thác, sử dụng hiệu quả sang các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu; các ban, ngành liên quan cần hướng dẫn các địa phương xây dựng danh mục nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu, tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị đầu tư tại các trung tâm…

Ngành LĐ-TB&XH cũng có chủ trương không lập mới các cơ sở công lập nếu không cam kết tự chủ (trừ những nơi trọng điểm); sắp xếp lại các trung tâm ở cấp huyện (dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp tổng hợp) theo Thông tư liên bộ Nội vụ, LĐ-TB&XH và Giáo dục - Đào tạo; xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém, khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo tư thục; nghiên cứu, thực hiện đào tạo nghề cho khu vực nông thôn phù hợp với thực tế địa bàn... Về lâu dài, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ tiêu chuẩn giáo dục nghề nghiệp, đổi mới chương trình, giáo trình theo chuẩn hóa quốc tế; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành nghề chuẩn, xây dựng phòng học đa phương tiện và các phần mềm mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong các cơ sở đào tạo nghề để giảm bớt đầu tư trang thiết bị…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi cần... không có, nơi có... không dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.